Khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, ông Erdogan là tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất, cáo buộc Stockholm chứa chấp lực lượng mà Ankara coi là khủng bố, đồng thời tuyên bố chỉ cho phép nước này gia nhập NATO sau khi Thụy Điển tiến hành những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn lực lượng này.
Stockholm đã phản ứng và đó là một chiến thắng cho ông Erdogan. Thụy Điển đã tăng cường luật chống khủng bố, sửa đổi hiến pháp và trục xuất một số nhân vật mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu. Ankara cũng nhận được một vài nhượng bộ ngày 10/7 khi Stockholm nhất trí tiếp tục nỗ lực trên và tăng cường hợp tác kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cũng có một động thái bất ngờ ngày 10/7, khi liên hệ nỗ lực xin gia nhập EU bị trì hoãn một thời gian dài của Thổ Nhĩ Kỳ với yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển, song không thu về kết quả đáng kể. Một số nhà phân tích cho rằng các vấn đề khác có lẽ cũng đóng vai trò nhất định trong việc thay đổi suy nghĩ của ông Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng mua tiêm kích F-16 và các thiết bị quân sự khác từ Washington nhưng thương vụ này đã bị Quốc hội Mỹ trì hoãn khi một số nghị sĩ cho rằng họ sẽ không thông qua thỏa thuận trên trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO.
Ngày 11/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Biden ủng hộ việc chuyển giao tiêm kích cho Ankara song không trực tiếp liên hệ với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển. Ông tiết lộ, Tổng thống Biden đã có một cuộc điện đàm "dài, chi tiết và mang tính xây dựng" với ông Erdogan ngày 9/7 và trong suốt cuộc điện đàm đó nhà lãnh đạo Mỹ đã nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rằng Thụy Điển đã hoàn thành những gì được yêu cầu để gia nhập NATO. Theo ông Sullivan, cuộc điện đàm đó khiến ông Biden tin rằng ông Erdogan sẽ đồng ý để Stockholm trở thành thành viên của liên minh.
Các quan chức Mỹ đã cố gắng thuyết phục ông Erdogan rằng Washington sẽ ủng hộ yêu cầu mua tiêm kích F-16 của Ankara nhưng cho biết, Nhà Trắng cần sự ủng hộ từ Quốc hội để việc chuyển giao có thể thực hiện. Theo một nguồn tin giấu tên, Washington cũng nói với phía Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc tác động đến Quốc hội sẽ dễ dàng hơn nếu ông Erdogan cho phép Thụy Điển gia nhập NATO.
Thậm chí cả khi hai vấn đề này không có mối liên hệ cụ thể với nhau, một số nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng, Nhà Trắng đảm bảo ông Biden sẽ làm việc để thúc đẩy thỏa thuận được thông qua tại Quốc hội để gây ảnh hưởng với ông Erdogan.
Tổng thống Erdogan có lẽ cũng bắt đầu nhận ra sự mất kiên nhẫn của NATO và việc tiếp tục trì hoãn tư cách thành viên của Thụy Điển có thể khiến các mối quan hệ ngày càng xấu đi.
"Thổ Nhĩ Kỳ hiểu những lợi ích tiềm năng mà họ có thể đạt được bằng cách kéo dài quy trình này không đáng với sức ép mà Ankara phải đối mặt", Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc văn phòng Ankara tại Quỹ Marshall Đức cho hay.
Động thái trên dường như là một phần trong nỗ lực của ông Erdogan nhằm tách rời Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Nga và hướng về phía phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Ông Unluhisarcikli đã đưa ra hai minh chứng gần đây cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang xa cách Nga: Đó là quyết định cho phép các chiến binh từ Binh đoàn Azov quay về Ukraine vào cuối tuần trước - một quyết định khiến Nga không hài lòng và thứ hai là việc ông Erdogan đã giữ lập trường mơ hồ khi lực lượng Wagner nổi dậy vừa qua.
"Ông Erdogan có lẽ cho rằng việc đặt tất cả ‘trứng’ vào ‘giỏ’ của Tổng thống Putin không phải là một ý hay", nhà quan sát này nhận định.
Trong khi đó, việc cho phép Thụy Điển gia nhập NATO và nỗ lực đạt được thỏa thuận chuyển giao tiêm kích F-16 có thể giúp ông Erdogan làm ấm quan hệ với Washington.
Theo: New York Times