Thiếu tôn trọng không chỉ làm giảm giá trị của nghề giáo, mà còn góp nguyên nhân vào tình trạng thiếu giáo viên. Khi giáo viên không được tôn trọng, họ bị đe dọa bởi những hành vi tiêu cực của học sinh, phụ huynh; phải làm những nhiệm vụ hành chính ngoài công việc giảng dạy. Điều đó khiến giáo viên kiệt sức, phải chuyển nghề hoặc xin về hưu sớm.
Chứng kiến nghề giáo bị suy giảm vai trò, những người trẻ không hào hứng thi vào sư phạm. Phụ huynh cũng không khích lệ con đi theo nghề giáo. Vì lý do này, nguồn nhân lực mới của ngành sư phạm sụt giảm nghiêm trọng, không thể lấp đầy khoảng trống mà giáo viên xin nghỉ hoặc về hưu sớm để lại.
Thế giới đang chứng kiến những hiểm họa xuất phát từ việc thiếu tôn trọng giáo viên. Năm 2023, Mỹ, Anh, Australia đến Đức, Nhật Bản đều ghi nhận tình trạng thiếu giáo viên.
Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), thế giới thiếu 44 triệu giáo viên phổ thông. Phân tích của UNESCO cho thấy khu vực châu Phi cận Sahara thiếu 15 triệu giáo viên nhằm đảm bảo giáo dục tiểu học và trung học cho mọi người dân đến năm 2030.
Tình trạng thiếu giáo viên còn gây ra tình trạng đóng cửa trường học. Trong 4 năm qua, tại khu vực Trung Phi, Tây Phi, hơn 13.000 trường học đã đóng cửa. Còn châu Âu và Bắc Mỹ thiếu 4,8 triệu giáo viên.
Riêng tại Mỹ, Đại học Harvard đã hủy đào tạo chuyên ngành sư phạm do số lượng tuyển sinh giảm. Trên khắp nước Mỹ, nhiều trường đại học cũng làm điều tương tự kể từ năm 2020.
Ở Đức, dù chưa có thống kê chính xác số giáo viên mà các trường phổ thông đang thiếu nhưng ước tính con số lên tới hàng chục nghìn. Nhiều trường phải áp dụng mô hình học 4 ngày/tuần hoặc cắt giảm môn học do thiếu giáo viên.
Tại châu Á, năm 2021, Nhật Bản thiếu hơn 2.500 giáo viên và con số này đang tăng. Còn theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, Indonesia dự kiến thiếu 1,3 triệu giáo viên vào năm 2024.
Giáo viên Phần Lan có toàn quyền tự chủ trong lớp học. |
Có nhiều biện pháp để nâng cao vị thế của giáo viên và giúp họ lấy lại quyền làm chủ lớp học. Chúng ta có thể nhìn từ Phần Lan, quốc gia sở hữu nền giáo dục chất lượng thuộc tốp đầu thế giới. Phần Lan đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và áp lực tài chính đè nặng lên giáo dục công nhưng bằng sư phạm thì không bị ảnh hưởng.
Ở Phần Lan, giáo viên được đào tạo bài bản, được tôn trọng và được tự chủ. Giáo viên không phải làm bài kiểm tra hàng năm, không phải xây dựng giáo án, được quyền làm chủ lớp học.
Các trường học chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chương trình giảng dạy và đánh giá học sinh. Công tác thanh tra trường học bị hủy bỏ từ năm 1990. Điều này vừa trao tự do nhưng cũng đòi hỏi giáo viên phải có trình độ học vấn cao để nhận được niềm tin từ ban giám hiệu và làm chủ lớp học.
Khi giáo viên vào lớp, họ là người có quyền cao nhất. Ngay cả hiệu trưởng nhà trường cũng không thể soán quyền kiểm soát lớp học từ giáo viên. Vì vậy, họ được phép giảng dạy theo phương pháp cá nhân, đổi mới, sáng tạo và không phải theo một khuôn mẫu nào. Phụ huynh cũng phải giống như ban giám hiệu là đặt niềm tin vào phương pháp sư phạm của giáo viên và không được can thiệp vào bài giảng.
Giáo viên Singapore cùng học sinh trong giờ học. |
Còn tại Singapore, khảo sát hồi năm 2023 của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos, chỉ ra, 80% người dân Singapore nhất trí rằng giáo viên đang làm việc chăm chỉ để nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia. Hơn 77% người dân đồng ý rằng nghề dạy học cần được tôn trọng đầy đủ.
Đáng chú ý, 54% người cho biết họ sẽ ủng hộ con cái hoặc người trẻ theo nghề giáo. Trên thế giới, con số này thấp hơn, đạt 43%.
Kết quả này đến từ việc người dân Singapore nhận thức đúng về tầm quan trọng của giáo dục và vai trò của giáo viên góp phần vào giá trị của giáo dục. Giáo viên cũng là những người được tuyển chọn và đào tạo khắt khe với mức lương tương xứng với bằng cấp.
Chính phủ Singapore cũng quan tâm đến việc tăng lương cho giáo viên, cải thiện công việc của giáo viên bằng cách cắt giảm công việc hành chính, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho lớp học...
Thiếu tôn trọng giáo viên cũng là vấn đề nhức nhối tại Mỹ. Nhiều vụ xả súng nhắm vào trường học, trong đó nạn nhân là giáo viên, học sinh, đã cho thấy giáo viên là một nghề nguy hiểm và ít được tôn trọng tại Mỹ. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Mỹ chỉ ra 14% giáo viên cho biết họ đã từng bị học sinh tấn công thể xác. Chưa kể, giáo viên là nghề bị xem là có giá trị thấp hơn luật sư, bác sĩ. Nhiều phụ huynh Mỹ không muốn con làm giáo viên.