Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội

Tin, ảnh: Thu Hoài (TTXVN) 22/02/2025 17:27

Sự kết nối chặt chẽ giữa đại học, doanh nghiệp và nhà nước không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững.

Bối cảnh hiện nay, cần thiết xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất, nơi doanh nghiệp, đại học và nhà nước phối hợp chặt chẽ để đồng sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với đại diện doanh nghiệp.

Nhận định trên được đưa ra tại Tọa đàm “Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội”, do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 22/2.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, trong số hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động mỗi năm, phần lớn vẫn chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp, do còn hạn chế về kỹ năng mềm, khả năng thích nghi, năng lực ứng dụng thực tiễn. Dù nắm vững lý thuyết nhưng sinh viên còn thiếu kinh nghiệm thực tế, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm và còn thụ động trong môi trường làm việc.

Thực tế cho thấy hệ thống đào tạo của Việt Nam có tiềm năng đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nếu có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa đại học và doanh nghiệp. Sự thiếu gắn kết giữa đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp đang tạo ra khoảng cách lớn giữa lý thuyết và ứng dụng, gây lãng phí. Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng khoa học - công nghệ và khả năng ứng dụng thực tế.

Về nghiên cứu và phát triển (R&D), theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, mặc dù các cơ sở giáo dục đại học lớn như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều dự án R&D hợp tác với doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn thấp. Nguyên nhân chính là cơ chế phối hợp giữa đại học và doanh nghiệp chưa hiệu quả, dẫn đến việc nhiều nghiên cứu không thể ứng dụng vào thực tế. Các doanh nghiệp trong nước thường thiếu cả nguồn lực tài chính và đội ngũ nhân sự nghiên cứu bài bản để thực hiện các dự án R&D. Trong khi đó, các trường đại học có điều kiện lại chủ yếu tập trung vào nghiên cứu hàn lâm, chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của thị trường.

Từ góc độ cơ sở giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng mở rộng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, đạt được nhiều thành tựu trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, hợp tác hiện nay vẫn còn mang tính ngắn hạn, chưa có kế hoạch hành động cụ thể và bền vững. Các hoạt động chưa khai thác hết tiềm năng khoa học - công nghệ và đội ngũ chuyên gia của đại học. Do đó, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài của liên kết giữa đại học, địa phương và doanh nghiệp.

Các đại biểu nhận định, mô hình hợp tác đại học và doanh nghiệp còn nhiều thách thức do chính sách chưa đủ đột phá; còn thiếu chủ động kết nối từ hai bên; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh. Để khắc phục những bất cập này, việc nâng tầm hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp thành một chiến lược dài hạn là điều cấp thiết, trong đó vai trò của nhà nước trong việc điều chỉnh chính sách và thể chế là yếu tố then chốt để tạo ra hệ sinh thái hợp tác đại học - doanh nghiệp - nhà nước. Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, các trường đại học cần được trao quyền tự chủ cao hơn, từ đó chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng thực hành, bám sát nhu cầu doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn phải đóng vai trò nhà đầu tư chiến lược vào nguồn nhân lực và công nghệ.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/lien-ket-dai-hoc-dia-phuong-doanh-nghiep-hop-luc-vi-su-phat-trien-kinh-te-va-xa-hoi-20250222172618502.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/lien-ket-dai-hoc-dia-phuong-doanh-nghiep-hop-luc-vi-su-phat-trien-kinh-te-va-xa-hoi-20250222172618502.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội