Lệ cống “người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng” có từ thời Lê sơ, đến cuộc đi sứ này của Nguyễn Công Cơ cũng bị hủy bỏ. Không chỉ vậy, chuyến đi sứ này, ông đã đi đến việc cắm mốc giới, xác định rõ chủ quyền bất di bất dịch giữa hai bên.
Nguyễn Công Cơ còn thành công đòi lại mỏ đồng Tụ Long và vùng đất biên cương nhiều năm bị phương Bắc lấn chiếm. Một năm sau, đoàn đi sứ trở về “phụng chỉ dụ của vua nhà Thanh nói: Phẩm vật tuế cống, lư hương và bình hoa bằng bang, chậu bằng bạc, từ sau được theo số lượng đã định mà thay thế làm thành vàng đĩnh, bạc đĩnh rồi giao quan chức tỉnh Quảng Tây thu nhận lưu trữ, còn ngà voi và tê giác đều được miễn, người tùy hành cũng liệu lượng giảm bớt”.
Nhờ quyết định này của vua Thanh, từ đó về sau việc chuẩn bị đồ tuế cống của nước ta giản tiện hơn, đồng thời nhà Thanh cũng rút bớt số quan viên và chức dịch phải tới kinh đô (Bắc Kinh) của mỗi sứ đoàn, chỉ gồm 1 chánh sứ, 2 phó sứ và tùy hành 20 người mà thôi.
Nguyễn Công Cơ có công lớn trong việc phát hiện gian lận thi cử và tiến hành cải cách giáo dục. |
Chính vì thành công của đợt đi sứ này mà ông được triều đình thăng làm Binh bộ Thượng thư. Theo “Sứ trình nhật lục” của Trần Anh Thái, chuyến đi sứ của Nguyễn Công Cơ và đoàn sứ bộ có sự hỗ trợ, giúp sức của một số quan lại người Trung Quốc vốn là học trò cũ của Nguyễn Công Cơ.
Khi đoàn sứ bộ Đại Việt do Nguyễn Công Cơ dẫn đầu đến địa giới Quảng Đông, dừng chân nghỉ lại phía trước một ngôi miếu, đoàn định vào miếu thắp hương thì bị ngăn lại. Sau đó ông mới được biết đây chính là ngôi miếu thờ… mình.
Hai anh em Phùng tướng quân hồi nhỏ theo gia đình sống ở Đại Việt, phường Hà Khẩu (Thăng Long), theo học thầy Nguyễn Công Cơ. Những người học trò này sau khi về nước tiếp tục đường học vấn rồi thi đỗ Tiến sĩ, ra làm quan. Nhớ ơn người thầy nên họ đã lập miếu thờ, lấy ngày sinh của thầy tổ chức cúng tế.
Khi được gặp lại người thầy họ kính trọng đang đi sứ Trung Quốc thì họ hết sức cung kính đón tiếp, đưa rước và hỗ trợ phía sau. Theo đó, hai anh em Phùng tướng quân - Tổng đốc đại thần tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, học trò và Tuần phủ Triết Giang đã mách bảo người thầy của mình những mánh khóe bóc lột của nhà Thanh để thầy đối phó.
Bàn thờ nhà khoa bảng Nguyễn Công Cơ. |
“Vì quá cương trực nên Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ khó tránh khỏi ganh ghét, đè nén, bèn xin đổi sang hàng quan võ làm Đề đốc Thự phủ sự, sau trải đến Thiếu bảo. Đến năm Quý Sửu (1733) Nguyễn Công Cơ mất lúc 58 tuổi, được triều đình truy tặng hàm Thiếu phó.
Tuy làm quan lớn, nhưng ông không có sản nghiệp riêng, có tiếng là thanh bần. Bên cạnh sự nghiệp chính trị, Nguyễn Công Cơ còn để lại một số trước tác như “Vũ học tùng ký” và 9 bài thơ chữ Hán chép trong “Toàn Việt thi lục”.
Đến năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái thứ nhất (1720), tháng 4 mùa Hạ, triều đình khảo xét công trạng 10 năm của tất cả quan lại, lúc bấy giờ Nguyễn Công Cơ đang là quan văn được dự hạng thượng khảo. Kết quả ông đứng bậc nhất, được ban tước Cảo (Tảo) quận công và cho hợp cùng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng vào làm Tham tụng trong phủ chúa.
Con cháu nhà khoa bảng Nguyễn Công Cơ có nhiều người đỗ đạt cao và để lại danh vọng cho đời. Trong đó có 2 người cháu thi đỗ trong một khoa, được vua Lê tặng thơ với hai câu mở đầu: Một khoa hai cháu đỗ ông Nghè/ Tiếng cáo vang lên bốn biển nghe. Bài thơ ấy vẫn được lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Công.
Hiện nay, nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ (gọi là nhà thờ cụ Thượng Cáo) tại làng Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Đất nhà thờ trước kia vốn là kho muối của triều đình, sau khi Nguyễn Công Cơ mất, triều đình nhà Lê ban cho dòng họ khu đất này làm nơi hương khói, phụng thờ.
Nhà thờ có niên đại khoảng 300 năm, năm 2008 được tiến hành trùng tu khá toàn diện. Nhà thờ là nếp nhà ba gian, xây dựng theo kiểu đầu hồi bít đốc, tay ngai, kiến trúc chữ Đinh, lợp ngói ri. Bên trong nhà thờ được chia làm 3 không gian thờ tự, trong đó, quan trọng nhất là gian giữa được dòng họ đặt hương án thờ Quận công Nguyễn Công Cơ và song loan vua ban.