Quốc thư có nhắc đến chuyện nước Anh nhận bồi thường chiến phí và trả lại Quảng Đông cho Trung Quốc với mong muốn phía Pháp cũng đối xử với Đại Nam tương tự. Ngoài ra, vua Tự Đức cũng yêu cầu Pháp châm chước triển hạn việc bồi thường chiến phí lên 20 năm để chia trả cho đủ trên tinh thần hòa bình và hợp tác.
Tranh vẽ 3 vị trong đoàn sứ bộ Đại Nam tại Paris (hàng ngồi từ trái qua: Phó sứ Phạm Phú Thứ, Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản) |
Trước đó, trong bản điều trần tại Paris, Aubaret ủng hộ quan điểm trả đất cho Đại Nam, trừ Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Cap Saint Jacques (nay là Vũng Tàu), bù lại Pháp sẽ bảo hộ 6 tỉnh Nam kỳ.
Về vấn đề tài chính, dự thảo yêu cầu trong 3 năm đầu, Đại Nam phải trả cho Pháp 500.000 đồng bạc/năm, và bồi thường liên tục trong 40 năm sau đó với số tiền 333.333 đồng bạc (tương đương 3 triệu franc)/năm.
Hoàng đế Pháp hẹn trong vòng một năm sẽ có câu trả lời. Về chuyến đi này, Đại Nam thực lục viết rằng: “Nội các thần tâu nói: Bọn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, trước kia vâng mệnh đi sứ, sự thể quan trọng, đã không hết sức đòi trở lại, lại nhận tục ước [dự thảo hiệp ước mới] mà về, đến nỗi sinh ra nhiều chi tiết…”. Tuy nhiên về cơ bản thì chuyến đi sứ thành công, ngoài việc tạo được dư luận tốt ở Pháp còn mang đến những tín hiệu tích cực, mở ra khả năng tu chính Hiệp ước 1862.
Đi sứ về, năm 1864, Ngụy Khắc Đản được thăng làm Bố chính sứ Nghệ An, rồi lần lượt trải các chức: Khâm sai Kinh lý Trấn Ninh, sung Tuyên phủ sứ, thự Hữu tham tri bộ Hộ, Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Công, sung tham biện viện Cơ mật.
Một trang ghi chép trong tác phẩm 'Như Tây ký' của Bồi sứ Ngụy Khắc Đản. |
Năm 1873, Tiến sĩ Ngụy Khắc Đản ốm và qua đời tại quê nhà, thọ 56 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng hàm Thự hiệp biện đại học sĩ. Con trai ông là Ngụy Khắc Khoan nổi tiếng thông minh, học giỏi, đỗ Cử nhân và được bổ chức tri huyện, tuy nhiên, ông lại vắn số khi qua đời ở tuổi 23 tuổi, để lại một cậu con trai tên là Ngụy Khắc Giản.
Tuy sinh ra trong một gia đình quan chức, nhưng vì cha mất sớm nên gia cảnh Ngụy Khắc Giản vô cùng nghèo khó. Tương truyền, người mẹ của ông phải làm thuê khắp nơi để cho con có tiền ăn học.
Năm Bính Ngọ (1906) đời vua Thành Thái, Ngụy Khắc Giản đỗ Cử nhân, được bổ làm Huấn đạo Hương Sơn, sau lại làm Kinh lịch ra giúp Tổng đốc Thanh Hóa. Ông xử lý các việc công bằng, làm việc nghiêm minh nên được dân chúng mến trọng.
Ngụy Khắc Giản rất quan tâm đến quê hương và hết mình với những đóng góp để vùng quê mình sống có sự thay đổi theo hướng lấy học thức để nâng cao chất lượng đời sống. Và cũng nhờ công sức của Ngụy Khắc Giản mà Xuân Viên được vua phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong”.
Năm 1940, ông làm một bài ca dài nêu lên 8 điều khuyên và 8 điều răn để dân chúng dễ học thuộc và làm theo.
Bài ca nói về việc xây dựng trường học, mời thầy về dạy học và khuyến khích người dân lấy sự học làm đầu, người biết chữ kèm người không biết chữ, người biết nhiều kèm người biết ít và khuyên các chức sắc địa phương trích công quỹ hàng tháng phát giấy bút cho học sinh.
Người dạy học được cấp mỗi năm một bộ áo quần và cấp lúa nghĩa thương đủ ăn, tặng phẩm cho những người học giỏi, người càng nghèo càng phải đi học, học để thay đổi số phận.
Theo “Đại Nam thực lục”, chuyến đi của sứ đoàn gặp nhiều khó khăn khi gặp bão và thiệt hại cả về sinh mạng. Trên đường đi, thông ngôn Nguyễn Văn Trường, thầy thuốc Nguyễn Văn Huy bị bệnh mất, viên đội Nguyễn Hữu Tước phát bệnh điên. Trải qua nhiều vùng đất xa xôi với những phong tục lạ lùng, các thành viên sứ đoàn không chỉ được chứng kiến mà còn tranh thủ ghi chép những gì quan sát được.
Trong đó, Ngụy Khắc Đản có “Như Tây ký” ghi Paris có Sở Khí đốt tạo khí gas cùng hệ thống ống dẫn đưa khí đốt đến tận các hộ gia đình dùng và trả tiền theo dung lượng. Đường phố Paris, Madrid về đêm sáng trưng nhờ có hệ thống đèn thắp sáng; có hệ thống nước ngầm được thiết kế, đấu nối cung cấp nước cho toàn thành phố; hệ thống bưu điện, điện thoại; kỹ thuật chế tạo vũ khí của Pháp và sự tiến bộ vượt bậc trong phương tiện chiến tranh...