Viện kiểm sát nêu chứng cứ cáo buộc cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD

Theo Thanh Hà - Hoàng An | 08/01/2024, 15:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo đại diện VKS, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã đủ xác định cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận số tiền 50.000 USD từ Phan Quốc Việt.

Viện kiểm sát nêu chứng cứ cáo buộc cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Công Tạc tại phiên toà. Ảnh: Như Ý.

UBND TP Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chu Ngọc Anh

Sáng 8/1, nêu quan điểm luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội đưa ra đề nghị HĐXX tuyên phạt 38 bị cáo trong vụ án “Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á , Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan”.

Trong đó, bị cáo Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, cùng bị đề nghị mức án từ 3-4 năm tù về "Tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Theo đại diện VKS, bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc có sai phạm trong việc hỗ trợ, truyền thông, giúp Công ty Việt Á biến tài sản từ của Nhà nước thành tài sản của Công ty Việt Á.

VKS cáo buộc, hai bị cáo có vai trò là đồng phạm, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, suy giảm niềm tin của nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ.

Theo VKS, trong quá trình điều tra, hai bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Trong quá trình công tác có nhiều thành tích, bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP Hà Nội có văn bản xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Đến nay, bị cáo Chu Ngọc Anh đã nộp khắc phục số tiền 4 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Phạm Công Tạc nộp số tiền 80 triệu đồng.

Tại các ngày xét xử vừa qua, bị cáo Phạm Công Tạc chỉ thừa nhận nhận số tiền 100 triệu đồng từ Phan Quốc Việt . Tuy nhiên, Phan Quốc Việt khai trong túi quà gửi bị cáo Tạc là 50.000 USD.

Về việc này, theo đại diện VKS, qua các tài liệu chứng cứ, dữ liệu điện tử, sao kê ngân hàng đủ kết luận bị cáo Phạm Công Tạc nhận số tiền 50.000 USD.

Theo cáo trạng, ngoài đưa tiền cho một số cá nhân thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, bị cáo Phan Quốc Việt và những người thuộc Công ty Việt Á còn hối lộ nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn khác tại nhiều tỉnh, thành phố để được bán kit test với giá cao.

Tổng cộng, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ hơn 106 tỷ đồng, qua đó gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng.

Bị cáo "Từ chối nhận tiền của Việt Á" bị đề nghị mức án nào?

Cũng tại phiên toà ngày 8/1, VKS đề nghị mức án bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương) là 10 tháng 4 ngày tù. Mức án này bằng với thời hạn tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Thành Danh đã nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á. Ngoài ra trong quá trình công tác, bị cáo Danh thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và có nhiều thành tích. Đại diện CDC Bình Dương cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Danh.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, 38 bị can trong vụ án liên quan đến Việt Á, bao gồm nhiều người có chức vụ và quyền hạn, đã nhận tiền "hoa hồng" và phần trăm ngoài hợp đồng từ Phan Quốc Việt mỗi khi công ty này ký kết hợp đồng tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương và Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh đã từ chối 4,2 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ Công ty Việt Á.

Dù đã từ chối nhận tiền "hoa hồng", nhưng ông Nguyễn Thành Danh vẫn bị khởi tố và truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Vẫn theo cáo trạng, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới là Lê Trung Nguyên tổ chức việc ứng trước kit xét nghiệm cho CDC Bình Dương và thực hiện thanh toán sau đó theo giá mà Việt Á đề xuất, vi phạm quy định pháp luật. Tổng cộng, Phan Quốc Việt và Lê Trung Nguyên đã hợp tác với CDC Bình Dương để thanh toán tiền cho 5 gói thầu, ký 7 hợp đồng trị giá gần 83 tỷ đồng, gây thiệt hại 55,7 tỷ đồng cho Nhà nước.

Về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, cáo trạng xác định rằng ông Danh đã thống nhất với Việt Á và công ty VNDAT về việc mượn kit xét nghiệm COVID-19, test tách chiết và vật tư y tế từ CDC Bình Dương để sử dụng trước, sau đó thực hiện thủ tục đấu thầu để Việt Á trúng thầu.

Ông Danh cũng đã chỉ đạo lập danh mục mua sắm, ghi rõ loại kit xét nghiệm với hãng sản xuất là Việt Á, tạo lợi thế cho Việt Á trong việc trúng thầu.

Bài liên quan
Chủ tịch UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro thiên tai
Ngày 7-9, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện kiểm sát nêu chứng cứ cáo buộc cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD