Việt Nam có tiềm năng lớn để chuyển đổi năng lượng xanh

Thu Cúc | 18/12/2022, 18:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việt Nam còn có tiềm năng lớn về điện mặt trời, có thể phát triển nhanh hơn so với các nước khác. Ngoài ra, Việt Nam còn có đường bờ biển dài, tài nguyên điện gió ngoài khơi và điện gió đất liền đều rất tốt. Có thể nói Việt Nam có nguồn tài nguyên tuyệt vời để chuyển đổi năng lượng xanh.

Việt Nam có tiềm năng lớn để chuyển đổi năng lượng xanh - Ảnh 1.

GS. Mark Zachary Jacobson cho rằng Việt Nam có nguồn tài nguyên tuyệt vời để chuyển đổi năng lượng xanh.

Chia sẻ tại chương trình diễn thuyết truyền cảm hứng trong khuôn khổ tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture 2022, GS. Mark Zachary Jacobson (Đại học Stanford, Hoa Kỳ) đã trao đổi về vấn đề chuyển đổi năng lượng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

GS. Mark Zachary Jacobson là nhà khoa học nằm trong top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới đến chính sách khí hậu. Ông có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về ô nhiễm không khí, vấn đề nóng lên toàn cầu và các giải pháp năng lượng tái tạo.

GS. Mark Zachary Jacobson cũng là người đã làm nên mô hình 3D cho khí quyển, sinh quyển, đại dương, từ đó mô phỏng các kịch bản ô nhiễm không khí toàn cầu. Đây là công trình đã được ông theo đuổi từ những năm 1990 với tên gọi GATOR-GCMOM. Dự án này trở nên nổi tiếng và là cơ sở của các mô hình khác trên toàn thế giới.

Đưa ra giải pháp về chuyển đổi sang năng lượng xanh, GS. Mark Zachary Jacobson cho biết: An ninh năng lượng là chủ đề nóng, ảnh hưởng tới các quốc gia. Hiện, một số nơi đã kiểm soát được nguồn năng lượng tái tạo; năng lượng gió, năng lượng mặt trời được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

"Chúng ta có thể nghĩ tới hệ thống lưu trữ 100% năng lượng tái tạo, như lưu trữ điện gió để sử dụng mùa khác; lưu trữ bằng các dạng pin dưới đất… Tức là có nhiều cách để chuyển dịch 100% sang năng lượng xanh cho mọi mục đích", GS. Mark Zachary Jacobson chia sẻ.

So sánh giữa việc đầu tư khai thác năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch, ông cho rằng, về công nghệ, phải mất khoảng 20 năm từ khi lên kế hoạch để hoàn thiện 1 nhà máy điện hạt nhân. Kinh phí đầu tư tốn kém và thời gian rất lâu so với xây dựng điện gió.

"Tại sao ta phải chờ 15-20 năm mới xây được 1 nhà máy điện hạt nhân trong khi chỉ cần thời gian ngắn hơn rất nhiều để có 1 dự án điện mặt trời hay điện gió ra đời. Vì sao ta phải mất nhiều tiền để khai thác những thứ khó mà không dùng ngay nguồn năng xanh sẵn có, có thể tích tụ sử dụng cho tương lai. Đặc biệt là khả năng giảm thiểu ô nhiễm không khí, đất và các nguồn khác", GS. Jaconson đặt câu hỏi.

Nguồn tài nguyên tuyệt vời để phát triển năng lượng xanh

GS. Mark Zachary Jacobson nhận định, Việt Nam chưa khai thác nhiều nguồn năng lượng trong khi có tiềm năng rất lớn, ví dụ như gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời. Thực tế, không cần mất nhiều đất để khai thác nguồn năng lượng mới. Việt Nam mới chỉ sử dụng 0,01% đất trong khai thác năng lượng gió.

Ông cho rằng, khi chia thế giới thành 24 khu vực thì có thể thấy, vào năm 2050, nhu cầu về năng lượng giữa các nước sẽ rất khác nhau.

Tại Việt Nam, việc triển khai cung cấp năng lượng từ gió, nước và mặt trời có thể gia tăng nhiều hơn các nước khác.

Khi người dân được khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo thì nhu cầu cũng sẽ tăng.

Khi có lộ trình phù hợp, trong 3 năm tới, Việt Nam có thể sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ nước, mặt trời, gió với chi phí tiết kiệm hơn nhiều.

GS. Mark Jacobson nêu ví dụ, theo tính toán, chi phí cho các loại năng lượng hóa thạch của 145 quốc gia là hơn 60 nghìn tỷ USD/năm, trong khi đó chi phí năng lượng tái tạo mỗi năm chỉ khoảng 6,6 nghìn tỷ USD. Điều này có nghĩa là có thể giảm chi phí khoảng 90% khi dùng năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, dự báo vào năm 2050 phải chi 748 tỷ USD mỗi năm nếu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, trong khi chỉ cần dùng 99 tỷ USD nếu dùng năng lượng tái tạo. Từ ví dụ này có thể thấy, Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung có thể tiết kiệm rất nhiều nều sử dụng năng lượng tái tạo.

"Việt Nam còn có tiềm năng lớn về điện mặt trời, có thể phát triển nhanh hơn so với các nước khác. Ngoài ra, Việt Nam còn có đường bờ biển dài, tài nguyên điện gió ngoài khơi và điện gió đất liền đều rất tốt. Có thể nói Việt Nam có nguồn tài nguyên tuyệt vời để chuyển đổi năng lượng xanh. Việt Nam cũng kết nối tốt và học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Tôi tin vào tương lai chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam", GS. Mark Jacobson đánh giá.

Để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, GS. Mark Jacobson cho rằng, cần vượt qua rào cản lớn nhất là ngành năng lượng hóa thạch phải đầu tư lớn. Vì vậy, cần có lộ trình và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, bắt đầu từ những công trình đơn lẻ, quy mô nhỏ tiến tới đồng bộ và phát triển ở quy mô rộng lớn hơn.

Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture 2022 diễn ra từ ngày 17 đến 21/12 tại Hà Nội. Tuần lẽ sẽ có sự kiện diễn thuyết truyền cảm hứng mang tên "Đổi mới hiện tại, kiến tạo tương lai". Đây là nơi những trí tuệ có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới sẽ cùng giao lưu với các nhà khoa học và công chúng Việt Nam.

Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022 còn có chuỗi Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống".

Lễ trao giải VinFuture 2022 được tổ chức vào tối 20/12, công bố chủ nhân của các Giải thưởng VinFuture năm 2022.

Với chủ đề "Hồi sinh và Tái thiết", Giải thưởng VinFuture năm nay đã có gần 1.000 dự án nghiên cứu khoa học công nghệ đến từ 71 quốc gia trên 6 châu lục được đề cử.

Đây là những phát minh, sáng chế kiệt xuất trong các lĩnh vực như sức khỏe, lương thực, môi trường và năng lượng bền vững cùng với nhiều công nghệ ứng dụng khác trong mọi mặt của đời sống.

Các dự án đã trải qua quy trình đánh giá nhiều vòng nghiêm ngặt của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng để tìm ra công trình xứng đáng vinh danh.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có tiềm năng lớn để chuyển đổi năng lượng xanh