Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu.
Cũng theo Policy Insights, Việt Nam đã áp dụng chính sách đối ngoại cởi mở, hoan nghênh đầu tư nước ngoài vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (gồm nông nghiệp, sản xuất, xây dựng và dịch vụ).
Sau tất cả những bước đi trên, Việt Nam tiếp tục từng bước hội nhập nhanh vào tiến trình sản xuất kinh tế thế giới bằng cách tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Việt Nam tham gia GVC vào cuối những năm 2000 nhưng đã có chiến lược vẹn toàn, nhắm vào thị trường điện tử tiềm năng (ước tính đạt giá trị xuất khẩu toàn cầu 2,5 nghìn tỷ USD năm 2019). Nhờ vậy giờ đây, Việt Nam đang là nhà sản xuất và xuất khẩu điện tử hàng đầu thế giới.
Cùng với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc Việt Nam tích cực theo đuổi các FTA là một yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế.
Việt Nam hiểu rằng chiến lược phát triển xuất khẩu không thể thành công hoàn toàn nếu không mở cửa nhiều hơn và có cách tiếp cận tốt hơn đối với các thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Việc loại bỏ hầu hết các rào cản thương mại đối với thị trường sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, khuyến khích mạnh mẽ các công ty đa quốc gia đầu tư và thiết lập trung tâm sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, FTA giúp đảm bảo rằng Việt Nam có thể trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thị trường mà không mất chi phí giao dịch cao.
Policy Insights cho rằng Bangladesh có thể học hỏi được nhiều điều từ thành tích xuất khẩu của Việt Nam.
Kinh nghiệm của Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động xuất khẩu bằng cách giữ tỷ giá hối đoái linh hoạt, tránh tăng giá mạnh trong điều kiện thực tế. Về tổng thể, Policy Insights đánh giá, Việt Nam đã thành công trong việc giữ tỷ giá hối đoái ở mức hỗ trợ cạnh tranh xuất khẩu.
Một điều quan trọng nữa là Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của hậu cần thương mại. Do đó, Việt Nam chú trọng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng (mạng lưới giao thông, mạng lưới điện…), giản lược thủ tục hải quan.
Chỉ số LPI (chỉ số hiệu quả logistics) đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Ngay từ năm 2018, xếp hạng LPI của Việt Nam đã đứng thứ 39 trong 144 quốc gia, trong khi Bangladesh xếp thứ 100, cho thấy khoảng cách rất lớn giữa hai phía trong khía cạnh này.
Cuối cùng, việc Việt Nam đầu tư mạnh vào công nghệ và nhân lực là một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Ngay cả trước khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới, Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của giáo dục. Quốc gia Đông Nam Á đã chi 12% GDP cho việc phát triển con người, trong khi Bangladesh chỉ dành 3,4% GDP vào việc này.
Tiến bộ trên mặt trận nguồn nhân lực đã giúp Việt Nam nhanh chóng đào tạo và triển khai được nguồn lao động chất lượng đáp ứng nhu cầu của các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Nhìn chung, theo Policy Insights, Việt Nam đã cho thấy một mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu rất hiệu quả. Việt Nam đã làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ giữa FDI-FTA-GVC để đạt tới mức tăng trưởng nhanh và bền vững.
" Chắc chắn đây là những bài học chính sách quý báu dành cho Bangladesh " – Policy Insights kết luận.