Theo Airport Suppliers, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Bamboo Airways thì hãng hàng không Vietstar Airlines cũng đang sử dụng máy bay Embraer cho dịch vụ thuê chuyến. Mẫu máy bay Embraer E195-E2 cũng đã có chuyến bay demo tại Việt Nam vào năm 2019.
Từ tháng 9/2020, Bamboo Airways đã khai thác đường bay Hà Nội – Côn Đảo bằng việc triển khai máy bay thương mại Embraer. Phạm vi hoạt động, công suất và hiệu suất của các máy bay Embraer đã giúp Bamboo Airways trở thành hãng hàng không đầu tiên khai thác trực tiếp đường bay Hà Nội – Côn Đảo, sau đó khai thác các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Điện Biên.
Việt Nam là một thị trường rất năng động với triển vọng tăng trưởng lớn, theo đánh giá của Airport Suppliers. Do đó, việc Việt Nam đề nghị Embraer mở rộng hoạt động hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng mới cho tập đoàn này trong kế hoạch chinh phục châu Á.
Sau chuyến thăm tới Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer, vào sáng ngày 24/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp khác của Brazil.
Tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng cho biết, Việt Nam và Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau tại khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ, với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức kỷ lục khoảng 6,78 tỷ USD , tăng 6,6% so năm 2021 và tăng gấp 3 lần trong một thập kỷ qua .
Song, nhìn chung, quan hệ kinh tế giữa hai phía vẫn chưa phát triển tương xứng với quan hệ chính trị, hợp tác đầu tư giữa hai nước còn rất khiêm tốn, trong khi còn nhiều dư địa phát triển.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai bên tích cực tham gia và triển khai các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể. Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.
Thủ tướng khẳng định các doanh nghiệp Brazil có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima ngày 21/5/2023. Ảnh Nhật Bắc
Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt Nam có cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Do vậy, rất mong các doanh nghiệp Brazil tăng cường cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mới, như công nghệ bán dẫn.
Brazil là một trong những thành viên sáng lập khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới với quy mô GDP đạt gần 2 nghìn tỷ USD. Năm 2019, Brazil đứng thứ 9 về quy mô nền kinh tế, trong khi lại rất giàu tài nguyên thiên nhiên và có nền nông nghiệp phát triển vượt bậc.
Theo bài viết đăng trên trang mạng Reporte Asia hôm 22/9, Việt Nam là quốc gia có vị trí chiến lược và tiềm năng to lớn ở Đông Nam Á. Hiện tại, Brazil đang cam kết tiếp tục ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam.
Cũng theo bài viết, Việt Nam và Brazil có rất nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác trong khuôn khổ Nam - Nam.
Ông Marco Farani, Đại sứ Brazil tại Việt Nam cho biết, trên phạm vi quốc tế, Brazil vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Với vai trò này, Brazil sẽ nỗ lực tăng cường đối thoại nội khối, nhằm mở rộng thương mại tự do giữa các thị trường khu vực.
Hiệp định thương mại tự do giữa MERCOSUR và Việt Nam là mục tiêu của cả hai bên. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã tuyên bố rằng ông sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo khác trong khối MERCOSUR để đẩy nhanh thỏa thuận với Việt Nam.
Thêm vào đó, bắt đầu từ năm tới, Brazil sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch G20. Đây là cơ hội để thúc đẩy sự phối hợp giữa các thành viên nhằm bảo vệ một cộng đồng quốc tế công bằng, bền vững và hòa bình hơn.