Các quốc gia khác trong top 5 là nhóm Tây Âu gồm Anh (thứ ba, 78,57 điểm), Phần Lan (thứ 4, 77,37 điểm) và Canada (thứ 5, 77,07 điểm), phản ánh thực tế rằng Bắc Mỹ và Tây Âu là những khu vực có các quốc gia dẫn đầu chỉ số sẵn sàng AI trên toàn cầu.
Trong số này, Canada được đánh giá là một trong những quốc gia thích ứng nhanh với sự bùng nổ của xu hướng AI tạo sinh, thông qua việc ban hành các quy tắc trong phát triển và quản lý có trách nhiệm AI tạo sinh.
Khu vực Đông Á được quan tâm đặc biệt trong năm nay khi điểm số trung bình là 51,41, xếp thứ 4/9 khu vực được đánh giá, vượt qua Nam và Trung Á lẫn Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điểm xếp hạng giữa các quốc gia tại khu vực này có sự chênh lệch cao, ví dụ khoảng cách 52 điểm giữa Singapore (thứ nhất) và Timor-Leste (xếp thứ 17).
Theo Bộ KHCN, tại Việt Nam, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030".
Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0", góp phần phát triển kinh tế-xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Sau hơn hai năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI trong những năm qua đã được xã hội và thế giới ghi nhận.
Nhiều sản phẩm dựa trên AI đã được ứng dụng trong cuộc sống. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho AI và đã từng bước cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ AI...