Vịt bóng bị rơi trên đoạn đường hướng ra đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức khiến nhiều phương tiện khó di chuyển.
Chiều ngày 20-5, nhiều khu vực ở TP.HCM xảy ra mưa lớn lúc tan tầm. Đáng chú ý, khu vực hướng ra đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức bất ngờ bị vịt bóng với kích thước lớn bay ra giữa đường khiến cho phương tiện đi lại khu vực này trở nên khó khăn.
Một tài xế công nghệ đi qua khu vực này cho biết: “Vịt bóng bị đứt dây bung ra chắn nguyên con đường khu vực từ Đảo Kim Cương hướng đi ra Mai Chí Thọ tạm thời không đi được”.
Hình ảnh được tài xế công nghệ chụp lại. Ảnh: MXH
Hình ảnh liền được cư dân mạng truyền tay nhau, theo đó nhiều ý kiến cho rằng nếu việc này khiến che khuất tầm nhìn của tài xế và gây tai nạn thì ai sẽ chịu trách nhiệm.
Trao đổi với PLO, Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Trường hợp bóng hơi bị rơi gây tai nạn, phát sinh thiệt hại thì có thể coi là thiệt hại ngoài hợp đồng. Và bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Theo luật sư Hồng Linh, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm: Có thiệt hại thực tế xảy ra; Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; Lỗi của người gây thiệt hại (lỗi cố ý hoặc vô ý); Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.
“Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định như sau: Phát sinh bởi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại cần đáp ứng các điều kiện sau có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác; Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần”- luật sư Hồng Linh chia sẻ.
Quan sát theo hình ảnh có thể thấy nhiều phương tiện đang phải dừng lại không thể di chuyển được. Ảnh: MXH
Cũng theo luật sư Hồng Linh, tài sản gây thiệt hại thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là: Chủ sở hữu tài sản phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra;Người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm gây thiệt hại.
“Tuy nhiên, người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại”- luật sư Hồng Linh chia sẻ thêm.