“Như vậy, cây mai là tài sản gắn liền với đất, được pháp luật công nhận. Nếu GCN QSDĐ không ghi nhận (chưa được chủ sở hữu đề nghị bổ sung) nghĩa là nó còn tách rời so với QSDĐ. Do đó, nếu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không nhắc tới thì được hiểu là nó không được chủ sở hữu chuyển nhượng cùng với đất” - ThS Hiếu nói.
Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, theo ThS Hiếu, có thể áp dụng tập quán để giải quyết. Nhiều vùng, miền, địa phương có tập quán là cứ nhận QSDĐ thì mặc nhiên các tài sản gắn liền với đất cũng đi theo.
Tự ý vào đất cũ đào mai đem đi có dấu hiệu tội phạm không?
Luật sư Phạm Hoàng Lâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm: “Dù hai bên không thỏa thuận về quyền sở hữu cây trồng (ba cây mai) nhưng trên thực tế, sau khi mua đất, hai bên đã bàn giao. Trong bốn năm sử dụng đất vừa qua, ông Nguyên đã chăm sóc ba cây mai. Nếu phía ông L muốn đào ba cây mai lên thì phải thỏa thuận với ông Nguyên. Việc bỏ qua công chăm sóc ba cây mai, tự tiện đào lên là thiệt hại quyền lợi của ông Nguyên.
“Không đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản, do quyền sở hữu ba cây mai chưa chuyển giao cho ông Nguyên. Ông Nguyên có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường công chăm sóc, gìn giữ ba cây mai” - luật sư Lâm nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thanh Kha (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng có dấu hiệu tội phạm trong việc tự ý vào đất mà ông Nguyên đã có chủ quyền để đào mai đem đi. Bởi lẽ việc chuyển nhượng đất đã hoàn thành. Hơn nữa, ông Nguyên mua đất của ông Vũ, chứ không mua đất của anh em ông L.
Hết thời hiệu khởi kiện đòi tài sản trên đất Trường hợp cho rằng mình bán đất, không bán tài sản trên đất thì ông L có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, phía ông L lại tự ý vào đất bứng ba cây mai đang chịu sự quản lý của ông Nguyên đem đi. Nếu ông L tranh chấp tài sản gắn liền trên đất thì ông Nguyên có quyền yêu cầu tòa căn cứ điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hiệu khởi kiện (hết thời hạn ba năm kể từ khi ông L bán đất cho ông Vũ). Dù GCN QSDĐ không thể hiện tài sản gắn liền với đất nhưng khi giải quyết tranh chấp “bán đất, không bán mai” thì tòa có thể căn cứ vào tập quán ở địa phương mà có phán quyết phù hợp. Thông thường khi thực hiện các giao dịch về chuyển nhượng QSDĐ… thì các cơ quan chứng thực, văn phòng công chứng đều lập hợp đồng chuyển nhượng đúng với tên của GCN; nếu chỉ bán đất, không bán tài sản gắn liền với đất thì hai bên sẽ có thỏa thuận riêng về việc những tài sản không bán. Dù cho ông Nguyên không phải chủ sở hữu đối với ba cây mai thì cũng là người đang quản lý tài sản hợp pháp. Do đó, việc lén lút vào đất để bứng ba cây mai đem đi là hành vi vi phạm pháp luật. Ông HUỲNH MINH KHÁNH, thư ký TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang |