Lý do là bởi, chất carbohydrate thay thế đường không được hấp thụ hoàn toàn, vẫn còn trong ruột. Chúng sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu, tăng hút nước vào lòng ruột, dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài việc hấp thụ nước vào lòng ruột, các vi sinh vật trong ruột cũng lấy carbohydrate làm thức ăn ưa thích của chúng. Quá trình lên men của vi sinh vật làm tăng sản xuất khí trong ruột. Đồng thời, hoạt động quá mức của vi sinh vật cũng có thể gây ra một số phản ứng trong ruột. Đó là những lý do gây tình trạng chướng bụng, đầy hơi, đau bụng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp tình trạng này. Theo bác sĩ Phúc, điều đó liên quan đến cơ địa của mỗi người. Do đó, dù các sản phẩm carbohydrate thay thế đường khá an toàn, nhưng người dùng cần chú ý đến số lượng ăn. Đầu tiên, cần phải nắm được các sản phẩm carbohydrate thay thế đường có thể gây tiêu chảy gồm: Maltitol, sorbitol, xylitol, erythritol, isomalt và lactitol…
Một số loại carbohydrate thay thế đường khác nhờ khả năng dung nạp cao, nên không gây tiêu chảy, thường được cho vào đồ uống, như: Aspartame, acesulfame kali, sucralose và steviol glycoside.
Với trẻ em, khả năng dung nạp có thể tương đối thấp. Một người trưởng thành nặng 60 kg nếu tiêu thụ quá 45 gam maltitol mỗi ngày mới bị tiêu chảy. Song, với trẻ em, 15 gam maltitol đã có thể gây tiêu chảy. Trường hợp trẻ bị dung nạp kém, chỉ cần ăn 25 gam maltitol một lúc, là có thể bị tiêu chảy dữ dội.
Trong khi đó, ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được phát hiện và hỗ trợ điều trị khẩn cấp. Nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, rối loạn hô hấp, tụt huyết áp… thậm chí là tử vong.
Khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, phụ huynh được khuyến cáo phải ngưng cho con ăn món ăn, nước uống hay loại thuốc có thể là nguyên nhân. Nếu trẻ nôn ói, bố mẹ tuyệt đối không cho con nôn khi nằm ngửa. Điều này có thể khiến chất nôn sặc lên mũi, xuống phổi, gây nguy hiểm tính mạng. Trường hợp trẻ nôn gấp, bị sặc lên mũi, bố mẹ nên dùng dụng cụ hút mũi để lấy chất nôn ra khỏi đường hô hấp của trẻ nhanh chóng. Sau khi nôn, trẻ nên súc miệng với nước lọc và nghỉ ngơi.
Cho trẻ nằm nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng mất nước. Từ đó, thực hiện phương pháp bù nước, uống dung dịch Oresol với liều lượng thích hợp nhằm cân bằng nước và điện giải.
Nếu trẻ sốt cao, hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol 10 - 15 mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ. Lưu ý, nên giữ lại toàn bộ thức ăn, phân, chất nôn và các loại thuốc đã dùng để hỗ trợ quá trình chẩn đoán, xét nghiệm.
Đa số các trường hợp ngộ độc thực phẩm ở trẻ có thể tự hồi phục trong một vài ngày khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp tình trạng sức khỏe của trẻ trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời. Trẻ có thể được bác sĩ kê kháng sinh nếu ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra. Nếu trẻ mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện truyền tĩnh mạch.
“Thuốc cầm tiêu chảy không được sử dụng trong điều trị ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Tiêu chảy được đánh giá là một trong những cách cơ thể tống hết các thức ăn gây ngộ độc ra ngoài cơ thể. Việc cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy sẽ khiến vi khuẩn, độc tố lưu lại lâu hơn trong hệ tiêu hóa, trẻ ngày càng khó chịu”, ThS.BS Duy Tùng giải thích.