Giáo dục quốc phòng

Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát: Liệu Iran và Israel có nổ ra chiến tranh toàn diện?

02/08/2024 17:24

Liệu Iran và Israel có nổ ra cuộc chiến toàn diện, khi giới chức Iran tuyên bố sẽ đáp trả nghiêm khắc Israel sau vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát?

Ngày 1-8, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố sẽ áp dụng “hình phạt nghiêm khắc” đối với Israel để trả đũa cho vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran (Iran) trước đó một ngày.

Vụ lãnh đạo chính trị của Hamas - ông Ismail Haniyeh bị ám sát là một diễn biến leo thang nghiêm trọng trong khu vực vốn bất ổn và ngày càng thù địch. Tuy nhiên, theo chuyên gia về Trung Đông Ali Mamouri, mức độ khốc liệt trong phản ứng của Iran đối với Israel sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và một cuộc xung đột toàn diện giữa Iran và Israel không phải là điều có thể nói chắc, theo kênh Channel News Asia.

Phản ứng mạnh nhưng có tính toán

Kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10-2023 và sau đó là cuộc đổ bộ của Israel lên Gaza, Iran và Israel đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể đối với nhau, vạch ra những lằn ranh đỏ trong cuộc chiến uỷ nhiệm giữa hai nước.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei và các quan chức Iran tại lễ tưởng niệm lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran (Iran) hôm 1-8. Ảnh: GETTY IMAGES

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei và các quan chức Iran tại lễ tưởng niệm lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran (Iran) hôm 1-8. Ảnh: GETTY IMAGES

Cả Iran và Israel đều không muốn leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến tranh toàn diện có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực. Thay vào đó, hai nước tìm cách phô trương sức mạnh để tránh tỏ ra yếu đuối, nhưng không gây ra xung đột lớn.

Điều này đã được thấy trong vụ đại sứ quán Iran ở Syria bị tấn công vào tháng 4, giết chết các chỉ huy quân sự cấp cao của Iran. Iran đã trả đũa bằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa trực tiếp vào Israel. Cuộc tấn công dường như được cố ý thiết kế để không gây ra thương vong lớn hoặc gây hại cho Israel.

Iran chủ yếu dựa vào các đồng minh khu vực, gồm Hezbollah (Lebanon), Houthis (Yemen) và các nhóm chiến binh ủy nhiệm ở Syria và Iraq, để duy trì áp lực lên Israel khi cuộc chiến ở Gaza vẫn tiếp diễn.

Ngược lại, Israel đã theo đuổi một chiến lược kép: Phản ứng mạnh mẽ với các đồng minh của Iran và đối đầu trực tiếp với Iran các cuộc tấn công có mục tiêu trên lãnh thổ bằng Iran.

Vụ ám sát ông Haniyeh sẽ đòi hỏi sự trả đũa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm. Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei nói rằng trả thù cho cái chết của lãnh đạo Hamas là "trách nhiệm" của Iran.

Theo chuyên gia Mamouri, hành động trả đũa của Iran sẽ không leo thang thành một cuộc chiến tranh công khai. Chính sách đối ngoại của Iran đã áp dụng mức độ thực dụng cao, tính toán cẩn thận các hành động của quân đội và tránh bất cứ điều gì có thể phát động một cuộc chiến tranh tốn kém với những tác động về kinh tế, chính trị và an ninh.

Điều này không có nghĩa là sẽ không có phản ứng mạnh mẽ từ Iran. Các đồng minh của Iran, đặc biệt là Hezbollah, có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Israel, vượt xa những gì họ đã thể hiện cho đến nay.

Chính sách cân bằng của chính quyền tân tổng thống Iran

Iran mới đây đã bầu ra một chính phủ ôn hoà mới dưới sự lãnh đạo của của Tổng thống Masoud Pezeshkian. Ông Pezeshkian đã nói rằng ông muốn ưu tiên cải cách chính sách đối ngoại của Iran để tạo ra một môi trường thân thiện hơn trong khu vực. Điều này có thể mở đường cho mối quan hệ tốt hơn với các cường quốc phương Tây, đặc biệt với Mỹ.

Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh (ở giữa bên trái) và ông Masoud Pezeshkian cùng nhau giơ tay sau khi ông Pezeshkian tuyên thệ nhậm chức tổng thống Iran tại Tehran hôm 30-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh (ở giữa bên trái) và ông Masoud Pezeshkian cùng nhau giơ tay sau khi ông Pezeshkian tuyên thệ nhậm chức tổng thống Iran tại Tehran hôm 30-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tuy nhiên, vụ ông Haniyeh bị ám sát đã tạo ra một tình huống bấp bênh cho chính phủ của ông Pezeshkian. Iran phải cân bằng giữa việc phản ứng mạnh mẽ vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát và mong muốn theo đuổi cải cách ngoại giao và kinh tế. Theo chuyên gia Mamouri, tình huống này có hai điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát xảy ra ngay tại thủ đô Tehran buộc chính phủ Iran phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Ông Pezeshkian tuyên bố: “Iran sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và danh dự của mình và khiến những kẻ xâm lược khủng bố phải hối hận về hành động hèn nhát của chúng".

Do đó, bất kỳ hành động trả đũa nào cũng có thể làm gia tăng căng thẳng với các nước phương Tây và có thể cản trở mục tiêu ngoại giao của Tổng thống Pezeshkian.

Thứ hai, những người Iran có quan điểm cứng rắn sẽ tăng cường chỉ trích chính phủ của ông Pezeshkian, đặt câu hỏi về chính sách hòa giải với phương Tây. Họ sẽ lập luận rằng các chính sách như vậy không hiệu quả và ủng hộ lập trường đối đầu hơn, do đó làm suy yếu chương trình cải cách của chính phủ mới của Iran.

Chiến thắng chiến thuật của Israel

Cho đến nay, Israel không thừa nhận đã thực hiện vụ ám sát ông Haniyeh nhưng chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể coi đây là một chiến thắng về mặt chiến thuật. Điều đó tiếp tục thể hiện khả năng của Israel trong việc nhắm vào các đối thủ cấp cao.

Israel đã xác nhận rằng họ đã (hoặc được cho là đã) loại bỏ các nhà lãnh đạo khác của Hamas như phó lãnh đạo chính trị Saleh al-Arouri và phó lãnh đạo các hoạt động quân sự Marwan Issa.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS

Tuần này, Israel cũng nhận trách nhiệm giết chết ông Fuad Shukr - một chỉ huy cấp cao của Hezbollah - trong một cuộc không kích vào Lebanon. Ngày 1-8, quân đội Israel cũng tuyên bố rằng chỉ huy quân sự Hamas Mohammed Deif đã bị giết trong một cuộc không kích vào tháng trước ở Gaza.

Dù vậy, xét đến tầm quan trọng của ông Haniyeh đối với Hamas và thực tế vụ ám sát diễn ta ngay tại Iran, vụ việc đi kèm với những rủi ro đáng kể.

Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát gần như chắc chắn sẽ cản trở các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Hamas và Israel. Điều này sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực đảm bảo việc thả những con tin Israel còn lại.

Bên cạnh đó, những rạn nứt cũng bắt đầu xuất hiện giữa các nhà lãnh đạo quân sự và chính phủ Israel về cuộc chiến ở Gaza. Trong bối cảnh này, vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát khó có thể đoàn kết người Israel. Thay vào đó, nó có thể làm trầm trọng thêm những chia rẽ hiện có, đặc biệt nếu nó dẫn đến nhiều xung đột hơn.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/vu-lanh-dao-hamas-bi-am-sat-lieu-iran-va-israel-co-no-ra-chien-tranh-toan-dien-c415a1590642.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/vu-lanh-dao-hamas-bi-am-sat-lieu-iran-va-israel-co-no-ra-chien-tranh-toan-dien-c415a1590642.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát: Liệu Iran và Israel có nổ ra chiến tranh toàn diện?