“Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết. Trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi Tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra. Nhưng rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons”, theo thông báo của Ricons.
Việc Ricons yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật trong suốt một thời gian dài. Đến ngày 4/7/2023, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons.
Theo Ricons, hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và cổ đông, đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác nhà thầu phụ/nhà cung cấp đã đồng hành cùng Ricons trong tình hình thị trường khó khăn như hiện tại.
Đến thời điểm hiện tại, Ricons cho hay vụ việc vẫn đang được Tòa án giải quyết. Mọi lập luận, kết luận liên quan đến vấn đề giữa hai công ty sẽ được trình bày và giải quyết tại Tòa án – nơi được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về vụ việc.
Tại BCTC quý 2/2023, Ricons công khai Coteccons đang nợ hơn 322 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 24/7, Coteccons cũng đã lên tiếng về việc nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. CTD đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai công ty.
Coteccons chia sẻ rằng, công ty đã chọn cho mình một con đường rất khác, bước ra khỏi các thủ thuật cạnh tranh bằng “tin đồn” và cuộc chiến về giá.
"Đặc biệt là trong bối cảnh chúng tôi đang cùng các đối tác lớn đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Do đó, Coteccons đề nghị những tổ chức, cá nhân ngừng lan truyền những thông tin không chính xác", trích thông báo của CTD.