Cung điện hoàng gia Nepal (ảnh: CNN)
Thái tử Dipendra được cho là từng nhiều lần tranh cãi với cha mẹ về việc kết hôn với người yêu là cô Devyani Rana
Thái tử Dipendra từng du học ở Đại học Eton – ngôi trường nổi tiếng ở Anh, chuyên đào tạo con em hoàng gia và các chính trị gia tương lai. Trong thời gian du học ở Anh, Dipendra đã gặp và yêu cô Rana – người theo học Đại học Kinh tế London.
Tuy nhiên, mối tình của thái tử Dipendra và cô Rana bị hoàng hậu Aishwarya phản đối. Bà muốn trai kết hôn với một cô gái thuộc họ hàng xa của mình, theo SCMP.
Về phía Rana, cô là con gái trong một gia đình giàu có bậc nhất Nepal.
Gia đình cô Rana cũng không mấy mặn mà với một lễ cưới hoàng gia, họ lo con gái mình có thể bị bó buộc bởi các lễ nghi và phải sống ít xa hoa hơn.
“Cô Rana lớn lên trong sự giàu sang tột độ”, tờ Nepali Times (báo Nepal) bình luận.
Mặc dù bị phản đối, nhưng thái tử Dipendra và cô Rana vẫn duy trì tình yêu của họ suốt nhiều năm, theo ABC News.
Trước khi vụ án mạng ngày 1/6/2001 xảy ra, có một số tin đồn cho rằng, vị trí kế thừa ngai vị của thái tử Dipendra sẽ bị uy hiếp nếu không chịu kết hôn. Thái tử Dipendra khi đó đã gần 30 tuổi.
Cô Devyani Rana (ngoài cùng bên phải), bạn gái của thái tử Dipendra (ảnh: AP)
Nhiều giả thuyết khác về vụ xả súng cũng được đưa ra.
Một số người cho rằng, ông Gyanendra – người lên ngôi vua Nepal sau khi thái tử Dipendra qua đời – đã kích động thái tử. Trong bữa tiệc tối ngày 1/6/2001, ông Gyanendra không có mặt ở cung điện, thep AP.
Ông Gyanendra đã phủ nhận thông tin này.
Một cựu quan chức Nepal tuyên bố Ấn Độ và Mỹ đứng sau vụ việc, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Ông Vivek Kumar Shah – trợ lý thân cận của hoàng gia Nepal, người đã theo dõi quá trình trưởng thành của thái tử Dipendra – cho rằng, thái tử có cuộc sống không mấy hạnh phúc.
“Từ khi còn nhỏ, có lẽ thái tử đã không nhận được tình yêu thương mà đáng lẽ ngài ấy phải có. Đó là điều tôi dám chắc”, ông Vivek Kumar Shah nói.
Theo chính phủ Nepal, không có âm mưu chính trị nào trong vụ hoàng gia Nepal bị sát hại.
Kết luận điều tra của chính phủ Nepal cho hay, chính thái tử Dipendra đã nổ súng vào gia đình mình. Rượu whisky, loại thuốc lá tẩm cần sa, tâm lý căng thẳng khi mắc kẹt giữa tình yêu và trách nhiệm là nguyên nhân khiến thái tử Dipendra mất kiểm soát.
Ở Nepal, thái tử Dipendra là nhân vật được yêu mến và nhiều người không chấp nhận kết luận này, theo ABC News.
Vua Gyanendra Bir Bikram Shah Dev lên ngôi nhưng không được lòng dân. Năm 2008, chế độ quân chủ ở Nepal bị bãi bỏ.
Năm 2007, cô Devyani Rana kết hôn với Ashwarya Singh – thành viên trong một gia đình giàu có và danh giá hàng đầu Ấn Độ.
Vua Prithvi Narayan Shah – vị vua sáng lập vương triều Nepal (tranh: History)
Theo ABC News, vụ thảm sát hoàng gia Nepal xảy ra ngày 1/6/2001 khiến nhiều người nhớ đến một câu chuyện dân gian được lưu truyền ở nước này từ khoảng năm 1769 – khi vua Prithvi Narayan Shah sáng lập vương triều Nepal.
Lúc bấy giờ, vua Prithvi Narayan Shah hành quân vào thung lũng Kathmandu thì tình cờ gặp một nhà tu hành. Nhà tu hành đã nếm thử sữa chua và mời vua Prithvi ăn phần còn lại. Tức giận, vua Prithvi đã ném bát sữa chua xuống đất.
Nhà tu hành cho rằng vua Prithvi đã quá kiêu ngạo. Ông nói rằng nếu vua Prithvi ăn sữa chua, mọi điều ước của vua sẽ thành hiện thực. Khi thấy sữa chua văng vào 10 ngón chân nhà vua, người tu hành đưa ra lời sấm truyền rằng, vương triều của vua Prithvi sẽ sụp đổ sau 10 thế hệ.
Sau khi được tuyên bố kế vị, thái tử Birendra trở thành vị vua thứ 11 của vương triều Nepal, theo ABC News.