Ngành Giáo dục Gia Lai với nỗi lo thiếu giáo viên. Ảnh: TG |
Nỗi lo thiếu giáo viên
Xen lẫn niềm vui chào mừng năm học mới, cô Hồ Thị Thuỳ Vân cũng đau đáu vì thiếu giáo viên, nhân viên và nhà ăn bán trú cho học sinh.
Theo nữ hiệu trưởng, năm học 2022 - 2023 trường có 31 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, chỉ có 20 giáo viên/25 lớp học, thiếu khoảng 15 thầy cô mới đủ định mức 1,5 giáo viên/lớp. Ngoài ra, nhà trường chưa có nhân viên văn thư, thư viện và y tế học đường. Điều này khiến việc phân công giáo viên đứng lớp gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục vì thế không được như mong muốn.
Ông An Văn Sáu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho hay, năm học 2022 - 2023 trên địa bàn thiếu khoảng 72 giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, phòng đã lên phương án tuyển dụng, nhưng sau đó có thêm 37 giáo viên xin chuyển công tác.
“Phòng tiếp tục tuyển dụng thêm, dự kiến đến đầu tháng 9 sẽ có giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy - học. Riêng số giáo viên mới chuyển đi, phòng sẽ xây dựng kế hoạch tuyển dụng lần 2”, ông Sáu nói.
Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Kon Tum dự kiến có trên 160.600 học sinh. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, số lượng cán bộ, giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 12.767 chỉ tiêu. Như vậy, trong năm học 2022 - 2023, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum thiếu 1.722 chỉ tiêu biên chế.
Còn toàn ngành GD-ĐT Gia Lai có 19.145 viên chức trong biên chế từ bậc mầm non đến phổ thông. Qua rà soát, năm học 2022 - 2023, toàn ngành còn thiếu 4.481 người, trong đó có 3.414 giáo viên và 1.067 nhân viên.
Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai trao đổi, sau khi địa phương được giao bổ sung 1.244 chỉ tiêu biên chế, đơn vị đang phối hợp với Sở Nội vụ làm việc với các địa phương để tính toán, tham mưu UBND tỉnh quyết định phân bổ gắn với sắp xếp, tổ chức lại trường lớp và nâng sĩ số theo đúng điều lệ trường phổ thông.
Trước thực trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT Kon Tum đã đưa ra các giải pháp khắc phục như: Tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phân công, điều hòa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên địa bàn từng huyện. Bên cạnh đó, phân công, bố trí giáo viên THPT giảng dạy một số tiết ở cấp THCS, giáo viên THCS dạy một số tiết ở cấp tiểu học.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Kon Tum cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm tham mưu Chính phủ chính sách về tuyển dụng viên chức đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo quy định. Từ đó tạo thuận lợi cho địa phương trong việc chủ động nguồn tuyển dụng, ổn định đội ngũ nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa.