Đối với giáo dục trung học, năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 7, lớp 10 và là năm thứ 2 thực hiện ở lớp 6. Việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh được các nhà trường chú trọng; giáo viên quan tâm rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập.
Bên cạnh thuận lợi, ngành Giáo dục Hải Dương cũng gặp những khó khăn liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Một số trường ở đô thị diện tích hẹp không thể mở rộng, số học sinh tăng nhanh, không đủ phòng học, phòng bộ môn. Trang thiết bị dạy học thiếu, nhất là thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Tính đến cuối năm 2023, ngành Giáo dục Hải Dương được giao chỉ tiêu biên chế hơn 27.900 giáo viên. Hiện toàn tỉnh có trên 22.600 giáo viên và còn thiếu hơn 1.400 giáo viên. Số giáo viên thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non và một số môn chuyên biệt. Một số môn học thiếu giáo viên như: Tiếng Anh (tiểu học, THCS); môn Giáo dục công dân, Công nghệ (THCS)…, các môn Âm nhạc (THPT), Mỹ thuật (THPT) chưa có giáo viên, nên chưa được triển khai ở cấp THPT. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn ở một số địa phương thiếu nguồn tuyển, nhất là địa phương có nhiều khu công nghiệp… 4 năm trở lại, năm nào tỉnh cũng tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục nhưng hầu hết đều không tuyển đủ số lượng.
Cụ thể, năm 2022, có huyện được giao 7 chỉ tiêu giáo viên và có 7 hồ nộp ứng tuyển. Tuy nhiên, có đơn vị “trắng” hồ sơ. Những trường không có thí sinh ứng tuyển thường ở vùng sâu, vùng xa nên các ứng viên ngại đi xa.
Chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh đã có kế hoạch tuyển dụng bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu; dự kiến tháng 10/2023 tiến hành tuyển dụng. Điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển gồm: Đối với giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên. Giáo viên tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phải có bằng đại học sư phạm trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Ngoài ra, sở GD&ĐT sẽ tham mưu với lãnh đạo tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho giáo viên của địa phương. Trước mắt, sẽ áp dụng với những vùng khó khăn, những nơi còn thiếu giáo viên nhưng chưa tuyển được (do thiếu nguồn tuyển).
Ông Bùi Văn Khiết, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nam Định: Quan tâm phát triển giáo dục mũi nhọn
Ông Bùi Văn Khiết. |
Sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 25/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc Phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao và UBND tỉnh ban hành văn bản về xây dựng trường chất lượng cao.
Ngoài ra, Kế hoạch số 1185/KH-SGDĐT ngày 13/8/2021 của sở GD&ĐT về việc xây dựng cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định tham gia chương trình Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu Microsoft với hơn 700 cán bộ, giáo viên các đơn vị. Cán bộ, giáo viên trong cộng đồng được tập huấn, tham dự hội thảo và là lực lượng tiên phong trong phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy, học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Ngành Giáo dục Nam Định được Microsoft toàn cầu công nhận gần 100 lượt thầy, cô giáo là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIEE) - đây là đội ngũ đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản trị nhà trường.
Hằng năm, sở GD&ĐT đều ban hành văn bản tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh nhằm động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Từ đó góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện, thành phố cũng như các đơn vị; đồng thời phát hiện những học sinh có năng lực nổi trội về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh cho những em đoạt giải. Kết quả của kỳ thi là thông tin quan trọng giúp các đơn vị rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch bồi dưỡng mũi nhọn trong năm học tiếp theo.
Bên cạnh đó, sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc quy định mức hỗ trợ cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và mức thưởng, hỗ trợ cho bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Theo đó, mức kinh phí hàng năm cấp cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vào khoảng 10 tỷ đồng.
Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh trích từ Quỹ khuyến học Lương Thế Vinh thưởng cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế; học sinh tham gia vòng 2 chọn học sinh dự thi Olympic quốc tế. Trong 5 năm trở lại đây, nhà trường đã chú trọng phát triển cho học sinh chuyên những kỹ năng mềm thông qua việc đẩy mạnh hoạt động theo hướng trải nghiệm sáng tạo, hoạt động của các câu lạc bộ. Nhà trường cũng có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh; thử nghiệm mô hình dạy học STEM.
Số lượng cán bộ quản lý và giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có trình độ thạc sĩ trở lên đến năm 2023 là 81/130 (đạt 62,31%), trong đó có 2 tiến sĩ. Đội ngũ giáo viên dạy các lớp chuyên đến năm 2023 là 54/130, tương đương khoảng 41,54%. Công tác tự bồi dưỡng tại chỗ tiến hành thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Năng lực tự học, tự bồi dưỡng tại chỗ của đội ngũ giáo viên tốt. Kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị dạy học ổn định trong 10 năm, mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Nhà trường đảm bảo tối thiểu các phòng thực hành, phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, y tế và thư viện theo quy định.
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 1) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản nhìn nhận, thực tế nguồn tuyển dụng giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, do đó tỉnh giao sở GD&ĐT phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ ưu đãi, phụ cấp, trợ cấp mới nhất đối với giáo viên, nhân viên nhằm thu hút nguồn tuyển dụng trong thời gian tới.