Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu đã triển khai Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ.

Trọng điểm triển khai là các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Nhiều khó khăn

Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2014. Chương trình được xây dựng theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh. Hình thức tổ chức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.

Ở hầu hết các địa phương, việc tổ chức cho trẻ em mầm non làm quen với tiếng Anh nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, đối với vùng cao Lai Châu, chương trình vẫn gặp nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, giáo trình.

Năm học này, huyện Phong Thổ có 17 trường mầm non với 245 lớp và trên 5.600 trẻ. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có Trường Mầm non Mường So triển khai dạy tiếng Anh cho trẻ.

Cô Phạm Bạch Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường 460 trẻ nhưng mới tổ chức dạy tiếng Anh cho 137 em từ 3 – 5 tuổi ở trung tâm, dựa theo nguyện vọng của phụ huynh. Do không có giáo viên nên trường đã hợp đồng với 1 giáo viên của Trung tâm Anh ngữ Dream Sky về dạy cho trẻ 2 buổi/tuần. Kinh phí giảng dạy do phụ huynh tự nguyện đóng góp”.

Dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Một số phụ huynh điều kiện kinh tế khó khăn, không có điều kiện cho con tham gia. Cùng với đó, do không có giáo viên đủ năng lực ngoại ngữ nên các trường phải liên kết với một số trung tâm ngoại ngữ để dạy.

Chia sẻ điều này, ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ đồng thời cho hay: Hầu hết các trường không có phòng học tiếng Anh riêng dành cho trẻ. Đội ngũ cán bộ quản lý cấp trường và phòng GD&ĐT còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ nên khó khăn trong kiểm tra, đánh giá chất lượng.

Còn tại huyện vùng cao Mường Tè, năm học 2021 – 2022, địa phương này thí điểm tại 4 trường (thị trấn, Ka Lăng, Bum Nưa, Mường Tè) với 7 nhóm lớp và 183 trẻ được làm quen với tiếng Anh. Năm học này, Mường Tè tiếp tục thí điểm ở 3 trường (thị trấn, Ka Lăng, Bum Nửa) với 192 trẻ, chiếm khoảng 5,5%.

Theo ông Trương Quốc Hoàn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, khó khăn nhất khi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non là cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu. Môi trường để trẻ giao tiếp, học hỏi, tiếp xúc thường xuyên với người nước ngoài không có. Cùng với đó, giáo viên dạy trẻ tại các lớp chưa có cơ hội tham gia hội thảo chuyên đề tiếng Anh.

Vướng đâu gỡ đó ảnh 1

Tiết học tiếng Anh của cô trò Trường Mầm non Ka Lăng.

Nỗ lực gỡ khó

Trường Mầm non xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) triển khai thí điểm dạy tiếng Anh cho trẻ từ năm học 2021 – 2022. Cô Hiệu trưởng Bùi Thị Hương chia sẻ, năm học trước, trường thí điểm với 27 trẻ thuộc lớp ghép 4 – 5 tuổi tại trung tâm. Vì không có giáo viên nên năm nay chỉ tổ chức được 1 lớp ghép với 24 trẻ.

“Mấy năm nay, chúng tôi đều nhờ giáo viên từ các trường bạn về dạy. Với thời lượng 2 tiết/1 tuần, thầy cô được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng” – cô Hương thông tin. Theo cô Hương, năm học này nhà trường đã hỗ trợ 2 triệu đồng để chi trả kinh phí cho giáo viên thuê/mượn. Khoản còn lại do phụ huynh tự nguyện đóng góp dù nhiều người không có khả năng. Giữa nhà trường và phụ huynh, hai bên cùng “gánh vác” mới có thể duy trì đều trong 9 tháng thực học.

Là giáo viên tiếng Anh của Trường Phổ thông DTNT Ka Lăng, mỗi tuần, cô Trương Thị Ngần lại sắp xếp công việc của mình để bố trí thời gian sang dạy cho trẻ mầm non. “Có hôm tôi chuẩn bị video, dự định trong buổi sẽ dạy trẻ đếm từ 1 đến 10, nhưng do học sinh tiếp thu chậm nên phải tách ra mỗi ngày khoảng 3 – 4 số. Do không có tài liệu học chính thức nên việc dạy trẻ gặp khá nhiều khó khăn” – cô Ngần nói.

Cũng theo cô Ngần, dạy trẻ học tiếng mẹ đẻ vốn đã khó, cho trẻ tiếp cận và làm quen ngoại ngữ lại càng khó hơn. Chính vì vậy, ngoài sử dụng phương tiện hỗ trợ (dạy học bằng hình ảnh), giáo viên cần phải có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể thật hấp dẫn và cuốn hút trẻ.

Tại huyện Phong Thổ, để nâng tỷ lệ trẻ mẫu giáo tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh, ông Khổng Văn Thiện chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các trường cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đảm bảo đúng theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị”.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ chỉ đạo các trường phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ nhằm phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất hiện có. Đồng thời sử dụng tài liệu, học liệu, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh trong đơn vị và từng lớp học bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Ông Trương Quốc Hoàn cho biết: “Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè chủ động tham mưu để địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện dạy tiếng Anh trong cơ sở giáo dục mầm non. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học ngoại ngữ. Đồng thời, xây dựng phương án sắp xếp giáo viên cho bậc mầm non, tăng cường giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, THCS xuống giảng dạy đảm bảo theo quy định của chương trình”.

Năm học 2022 – 2023, tỉnh Lai Châu có 22/113 trường với hơn 2.632 trẻ đăng ký tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh. Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ em được thực hiện tại các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vướng đâu gỡ đó