Cùng con vượt qua khó khăn
Thực tế, xu thế “chọn chỗ đẹp” cho con em là điều chính đáng nhưng phải xem xét năng lực và nguyện vọng của con. Sức khỏe và đam mê của con mới là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các bậc phụ huynh nên quan tâm. Hãy tập cho con thói quen tự chủ phát triển bản thân; không nên đặt vào chỗ mà con không mong muốn. Theo chia sẻ của chị Đặng Bích Ngọc: “Tôi thấy thương con vô cùng, cả tuần không có một ngày để nghỉ ngơi. Gia đình thường động viên con chọn nguyện vọng theo năng lực, chứ không ép con phải đỗ trường này, trường kia. Với tôi, đam mê của con mới là tất cả, nên luôn tôn trọng quyết định từ con”.
Chia sẻ trăn trở khi vẫn còn nhiều người lớn không tin vào những áp lực mà con em mình có thể gặp phải, TS tâm lý Đào Lê Hòa An thông tin: Nhiều cha mẹ buông lời đắng cay “Có mỗi chuyện học thôi mà cũng không xong”, “Chịu áp lực kém thế này thì ra đời làm sao?”... để rồi trẻ phải đối mặt với những hậu quả thương tâm... Đây đều là lý do dẫn đến sự thay đổi cảm xúc của giới trẻ. Đôi khi, những triệu chứng nhen nhóm của trầm cảm xuất hiện mà người lớn không hay biết!
Dẫn chứng áp lực giới trẻ đang phải đối mặt, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh: Việt Nam vừa trải qua đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất, tất cả hoạt động học tập đều chuyển sang hình thức online. Chính vì thế, các kết nối vật lý đều bị hạn chế đến mức tối đa cũng là yếu tố khách quan kích thích căng thẳng tâm lý… Điểm số, học tập không phải là yếu tố duy nhất gây ra trầm cảm, mà ở đó còn là những kỳ vọng từ gia đình. Đó là lần la mắng, thậm chí đòn roi, với mong muốn con mình sẽ “học giỏi hơn, đỗ vào trường uy tín” từ cha mẹ dành cho sĩ tử.
Dành lời khuyên cho phụ huynh, TS Đào Lê Hòa An cho biết, vẫn còn nhiều thứ để lo toan trong cuộc sống, nhưng gia đình vẫn nên dành ra một khoảng thời gian nhất định để lắng nghe, tìm hiểu về đời sống tinh thần của con. Đôi khi trẻ không bày tỏ bất ổn trực tiếp, mà thông qua mạng xã hội, tâm sự với bạn bè, viết nhật ký... Trong tiết sinh hoạt, giáo viên có thể tìm hiểu và bổ sung cho học sinh những kiến thức để nhận biết lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó là việc thể hiện, bày tỏ, kêu gọi sự giúp đỡ của người xung quanh khi nhận ra bản thân có dấu hiệu bất thường.
Đặc biệt, trong thời gian dài ngồi trước màn hình thiết bị điện tử để học trực tuyến vì dịch Covid-19, các em có cảm giác bị cô lập, xa cách, căng thẳng và lo âu. Từ những thay đổi tiêu cực về cảm giác, trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi vì khó tập trung chú ý. Giai đoạn “hậu Covid-19”, phụ huynh cần quan tâm đến tâm lý con em nhiều hơn. Thay vì tạo áp lực, hãy trở thành những người bạn giúp trẻ vượt qua được thời khắc khó khăn. Tâm lý tốt, trẻ mới học tập và sinh hoạt hiệu quả.