Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm ở vùng khó

29/05/2023, 18:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trường đẹp cho em, xây trường trên núi… là những dự án được các tổ chức, CLB đội nhóm triển khai góp phần kiên cố hóa trường lớp ở vùng sâu. 

Trường đẹp cho em

Lai Châu hiện đã có 32 điểm trường vùng khó khăn được xây dựng kiên cố hóa từ "Dự án Sức mạnh 2000" và nguồn huy động xã hội hóa với trị giá gần 10 tỉ đồng. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng thường các điểm trường, công trình “Trường đẹp cho em” được duyệt xây được hoàn thiện hồ sơ và tổ chức khởi công, thi công, khánh thành, bàn giao cho các trường sử dụng trong vòng 5 tháng.

Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm ở vùng khó ảnh 1
Mặc dù xây dựng ở các điểm trường khó nhưng tiến độ thi công "Trường đẹp cho em" ở Lai Châu vẫn được đảm bảo theo kế hoạch. (Ảnh: Hà Thuận).

Bà Vừ Thị Mai Dinh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu cho biết: “Triển khai công trình “Trường đẹp cho em”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố rà soát các phòng, lớp học tạm để đề xuất với Trung tâm tình nguyện Quốc gia, các tổ chức, cá nhân tài trợ xây mới.

Công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ từ khâu rà soát các điểm trường trong diện được Dự án Sức mạnh 2000 hỗ trợ để lập, thẩm định hồ sơ xây dựng, giải phóng mặt bằng cho đến việc huy động đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia vận chuyển nguyên vật liệu, tổ chức khởi công, giám sát quá trình thi công và khánh thành công trình”.

Để thầy cô giáo và học sinh nhanh chóng được cải thiện các điều kiện phục vụ hoạt động giáo dục, có nhiều thời điểm, Lai Châu triển khai xây dựng 2,3 điểm trường cùng lúc. Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lai Châu đã phân công cán bộ phụ trách việc triển khai xây dựng từng điểm trường. Đồng thời, lựa chọn các nhà thầu, đơn vị thi công có năng lực để xây dựng.

Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm ở vùng khó ảnh 2
Giao thông đi lại khó khăn làm ảnh hưởng đến quá trình thi công "Trường đẹp cho em". (Ảnh: Hà Thuận)

Các điểm trường hưởng thụ Chương trình "Trường đẹp cho em" ở Lai Châu hầu hết đều gặp khó khăn về giao thông. Có nhiều điểm trường lẻ phải đến 3km đường đất, xe ô tô không vào được, phải vận chuyển bằng xe máy. Nhiều đoạn vượt suối phải tăng bo, kinh phí xây dựng đôi khi không đảm bảo do phát sinh kinh phí vận chuyển nguyên vật liệu. Khắc phục khó khăn đó, Tỉnh đoàn Lai Châu đã vận động đoàn viên thanh niên, phụ huynh học sinh và người dân địa phương hỗ trợ san mặt bằng, vận chuyển vật liệu.

Cùng với việc khởi công hay khánh thành các điểm trường, nhà đầu tư thường xuyên có những món quà như sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh. Qua đó, phần nào giúp các em có thêm động lực để đến trường, lớp.

Bà Vừ Thị Mai Dinh chia sẻ: “Với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn nên việc phụ huynh đầu tư sách, vở, trang thiết bị học tập cho con em cũng còn hạn chế. Chính vì vậy, hằng năm, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam đều kết nối, vận động trao tặng sách vở, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho học sinh vùng khó khăn, thuộc hộ nghèo và cận nghèo”.

Em vui đến trường

Điểm Trường Tắk Rối của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) được xây dựng kiên cố 2 lần từ nguồn vận động của các nhà hảo tâm và CLB đội nhóm.

Trường Tắk Rối bị sập do cơn bão số 9 vào năm 2020 thì được khởi công từ 8/2019 hoàn thành 10/2019, do CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) vận động kinh phí, hỗ trợ xây dựng. Tổng số tiền xây dựng điểm trường với 2 phòng học kiên cố, đạt chuẩn khoảng 570 triệu đồng, đã bị sập hoàn toàn chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020.

Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm ở vùng khó ảnh 3

Vận chuyển vật liệu vượt sông Tranh để xây dựng điểm trường Tắk Rối từ nguồn hỗ trợ của CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng).

Sau khi trường bị sập, thầy trò điểm trường Tắk Rối phải mượn nhà dân để tổ chức dạy học trong suốt cả năm học 2020 – 2021. Hồi sinh cho điểm trường Tắk Rối, CLB Bạn thương nhau đã kêu gọi được 600 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ. Thêm 200 triệu được một nhóm nhà hảo tâm hỗ trợ thông qua Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập. 800 triệu đồng được huy động chỉ trong vòng 2 tháng, cho một điểm trường được xây dựng lần thứ 2 từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nói thật là ngoài sự tưởng tượng của hội đồng sư phạm nhà trường. Ngôi trường hiện nay được khởi công tháng 3/2021, hoàn thành 05/2021.

Từ điểm trường chính, mất khoảng 40 – 50 phút rồi đi ghe hoặc bè qua sông mới vào được đến Tắk Rối. Mùa mưa, con sông Tranh hiền hòa sẽ trở nên hung dữ nên không phải lúc nào cũng có thể đi bè qua sông để vào Tắk Rối được. Những lúc đó, người dân Tắk Rối hoàn toàn cô lập với bên ngoài. Trước đây, người dân thường qua lại bằng chiếc ghe nhôm mỏng manh. Hai năm trở lại đây, ngoài ghe nhôm, phương tiện qua lại còn được bổ sung thêm 1 chiếc bè được kết lại bằng thùng phuy nhựa, đặt trên những tấm ván gỗ. Chiếc bè này cũng là phương tiện vận chuyển vật liệu vượt sông tranh trong cả 2 lần tiến hành xây dựng trường với sự tham gia của bà con Tắk Rối và đoàn thanh niên xã Trà Tập.

Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm ở vùng khó ảnh 4

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng 2 lần từ nguồn vận động của các CLB thiện nguyện, đội nhóm hỗ trợ.

Ngoài được được xây dựng trường từ nguồn xã hội hóa theo hướng kiên cố và đạt chuẩn, Tắk Rối còn nhận được sự hỗ trợ về phương tiện dạy – học. Đoàn từ thiện “Bi Nguyễn” đã hỗ trợ cho thầy trò điểm trường đường dây dẫn nước và xây bể lọc chứa nước. Đến nay nước sinh hoạt của thầy cô giáo và học sinh tại điểm trường đã được ổn định.

Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm ở vùng khó ảnh 5

Điểm trường Tắk Rối được tặng ti vi thông minh trang bị tại phòng học, đáp ứng điều kiện dạy học của Chương trình GDPT 2018.

Thầy Nguyễn Văn Hối, giáo viên đứng điểm tại Tắk Rối cho biết: “Đầu năm học 2022 – 2023 này, cùng với điểm trường Tu Gia, Tắk Rối còn được Vicoshool (Huế) tài trợ ti vi và 30 bộ máy tính cho điểm trường chính. Vì vậy, trong dạy – học chương trình mới, thầy trò chúng tôi có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn”.

Theo thầy Hối, việc trang bị đồ chơi phù hợp trên mặt bằng rộng cũng góp phần thu hút học sinh đến trường vì ở đây không có mặt bằng. “Các cháu chưa bao giờ nhìn thấy đồ chơi bằng vật liệu nhựa nên thích lắm, dù chỉ là một con thú nhún. Các em tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để chơi, không cho thầy cô ngủ trưa là khác. Chiều học xong không chịu về , xin được ở lại chơi, xin được xem các chương trình hoạt hình …” – thầy Hối kể.

Bà Vừ Thị Mai Dinh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu cho rằng: "Xây dựng được trường, bài toán về cơ sở vật chất đã được giải nhưng làm thế nào để phát huy hiệu quả các công trình “Trường đẹp cho em” mới mà đích đến chúng ta cần làm. Theo tôi, để công trình có hiệu quả, nhà trường cần có kế hoạch giữ gìn, bảo quản các phòng học để sử dụng lâu dài. Đồng thời, có kế hoạch duy tu, sửa chữa định kỳ để đảm bảo chất lượng công trình.

Cùng với đó, thường xuyên thông tin, kết nối các tổ chức, mạnh thường quân tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thầy cô giáo và học sinh các điểm trường để động viên, khích lệ.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhà trường cần làm tốt công tác tuyển sinh, đảm bảo trẻ đi học đúng tuổi, đảm bảo tỉ lệ học sinh đến lớp. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa từ phụ huynh, giáo viên tự tạo các đồ chơi để thu hút trẻ đến trường, học tập trong môi trường an toàn, thân thiện".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm ở vùng khó