Đây là lần đầu tiên nước ta xây dựng và xuất bản sách giáo khoa hoàn toàn bằng xã hội hóa. Việc thẩm định sách giáo khoa thông qua một Hội đồng thẩm định quốc gia, do Bộ GD&ĐT thành lập. Khi sách giáo khoa là học liệu, thì học liệu càng phong phú sẽ càng tốt để phục vụ dạy học, triển khai chương trình. Giáo viên được trao quyền chủ động trong chọn ngữ liệu, chọn bài tập phù hợp, phát huy sự năng động, chủ động, sáng tạo của họ.
Mỗi trường, căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung có tính chất định hướng trong Chương trình GDPT 2018 để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Như vậy, hướng đến cùng đạt theo chuẩn đầu ra của chương trình, nhưng cách thức đạt đến chuẩn đó thì dành sự chủ động cho nhà trường.
Bên cạnh đó, triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đã huy động được nguồn lực, trí tuệ xã hội rất lớn cùng tham gia biên soạn sách; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh, giáo viên có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất. Đã có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Cho đến thời điểm này, triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường. Đến năm 2025, việc triển khai sẽ kết thúc một lộ trình. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với địa phương chỉ đạo chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng học bộ môn, tập huấn giáo viên, chỉ đạo đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá và chuẩn bị ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Qua nắm bắt thông tin cho thấy, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 thời gian đầu có nhiều lúng túng, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giảng dạy các môn mới, môn học tích hợp… nhưng dần dần nhà trường, thầy cô đã từng bước thực hiện được một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Việc thẩm định sách giáo khoa tại Bộ GD&ĐT và chọn sách giáo khoa tại các địa phương đi vào nền nếp và sẽ cải tiến việc chọn sách giáo khoa theo hướng giao quyền chủ động cho các trường.
Giáo viên trao đổi về SGK. Ảnh minh hoạ/ INT |
Theo Cẩm nang nghiên cứu sách giáo khoa của UNESCO, có hai hướng tiếp cận song song tồn tại trên thế giới: Một là, coi sách giáo khoa như kim chỉ nam hành động cho giáo viên, không chỉ về nội dung mà cả cấu trúc và cách thức triển khai. Hai là, coi sách giáo khoa như một tập hợp linh hoạt các nội dung tiêu biểu, nhờ đó giáo viên sáng tạo phương pháp và tăng cường học liệu mới sao cho phù hợp để truyền tải nội dung.
Nhận thấy, hai cách tiếp cận này có thể bổ sung cho nhau mà không cần đối đầu, nên Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore chọn cách làm trung dung (mixed model) sau một thời gian xã hội hóa hoàn toàn sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng, giáo viên tiểu học cần được hướng dẫn trực tiếp qua sách giáo khoa nhiều hơn. Sách ở bậc này phải cung cấp cả phương pháp sư phạm cũng như nội dung cụ thể có độ chính xác cao độ nhất, vì vậy Bộ GD&ĐT biên soạn phần lớn sách giáo khoa ở bậc này.
Dù nắm trong tay các bộ sách tư nhân được xuất khẩu ra toàn cầu, Chính phủ Singapore vẫn yêu cầu Bộ Giáo dục tiếp tục xuất bản sách giáo khoa những môn học liên quan đến ngôn ngữ mẹ đẻ, giáo dục quốc gia và phát triển đạo đức, nhằm giữ gìn bản sắc quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ định các chuyên gia về tiếng Trung, lịch sử và chính trị trực tiếp làm sách và in ấn bởi NXB của nhà nước…
Từ kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh Việt Nam, nước ta có thể triển khai một bộ sách giáo khoa Nhà nước nhưng phải tuân thủ nguyên tắc công bằng mà Nghị quyết 88 đã đề ra. Sự công bằng đó có thể đảm bảo bởi ba yếu tố:
Một là, tập trung vào các môn học đặc thù, cần sự hỗ trợ và phát triển trực tiếp từ Nhà nước như sách giáo khoa về Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh… Không cạnh tranh trực tiếp ở các môn học mà các bộ sách xã hội hóa triển khai thành công.
Hai là, tập trung biên soạn sách có tính thích ứng cao với các vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, cả về giá sách lẫn phương pháp sư phạm. Chú ý đến bậc tiểu học, vì đây là bậc học giáo dục bắt buộc tiến đến cấp miễn phí sách giáo khoa như các nước.
Ba là, biên soạn các sách giáo khoa phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị), theo chủ trương của Đảng đã chỉ ra ở Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Bộ sách Nhà nước phải chứa đựng các phương pháp sư phạm sáng tạo để truyền tải kiến thức với điều kiện vật chất hạn chế, từ đó thầy và trò có thể yên tâm dựa hoàn toàn vào sách Nhà nước mà không cần thêm chi phí cho nguồn tài liệu nào nữa.
Quá trình chuyển đổi vai trò từ Nhà nước sang xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa chắc chắn còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh để ngày càng tối ưu. Nó phụ thuộc vào sự tham gia cởi mở của xã hội, sự hợp tác giữa Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đến nay, có thể khẳng định rằng, việc xã hội hóa trong biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là một thành tựu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nếu quay lại thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa là đi ngược lại tinh thần, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền giáo dục mở, tự do, chủ động, sáng tạo dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, sau một chu kỳ đổi mới Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng cần đánh giá thấu đáo, công tâm những ưu điểm, hạn chế về xã hội hóa sách giáo khoa, từ đó, Bộ GD&ĐT có thể xây dựng thêm một bộ sách giáo khoa.