Học sinh hứng thú trải nghiệm với STEM - Robotics với sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Thanh Di. |
Cùng với đó, cô Việt Trinh mong mỏi: Luật Nhà giáo sắp được ban hành tới cần quy định rõ việc trao cho giáo viên nhiều quyền tự do và kiểm soát hơn trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Cụ thể, đạo luật quy định rõ ba trách nhiệm của giáo viên gồm: Nội dung giáo dục, cách học sinh tiếp thu nội dung đó và môi trường học tập trong nhà trường. Ngoài ra, giáo viên chịu trách nhiệm độc lập trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Giáo viên cũng phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực được đặt ra.
“Cần có những chính sách cụ thể quy định về việc lấy nhà giáo làm trung tâm, coi giáo viên là nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục cần được phát triển để đảm bảo thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục”, cô Việt Trinh bộc bạch.
Yêu thích nghề giáo, anh Nguyễn Thái Duy (sinh năm 1996, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) đã tốt nghiệp thạc sĩ Văn học Việt Nam từ năm 2021, mong muốn có mức lương đảm bảo cuộc sống gia đình. Thế nhưng, với cơ chế đãi ngộ hiện tại rất khó để anh theo đuổi cống hiến với nghề.
Anh Duy chia sẻ, để đảm bảo đời sống cho giáo viên trong giai đoạn hiện nay, rất cần những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho nghề giáo. Nhất là cần những chính sách ưu đãi để người trẻ có trình độ cao về vùng sâu, vùng xa giảng dạy.
“Tôi mong rằng, sắp tới đây khi Luật Nhà giáo được thông qua sẽ có những chính sách mới cho nhà giáo. Trong đó, có quy định rõ cơ chế đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tốt hơn; áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục. Cùng với đó, cần có cơ chế tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc, tôn vinh của nhà giáo một cách chặt chẽ hơn”, anh Duy nói.
Ngoài lương, anh Duy cũng mong muốn môi trường giáo dục sẽ thật thân thiện và hạnh phúc hơn. Để thầy và trò thỏa mái tương tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học của mình, anh Duy bày tỏ.