Khi đó, điều quan trọng là cha mẹ cần phải nhẹ nhàng giáo dục, chủ động “kéo” con vào việc chào hỏi bằng cách chính mình làm gương trước. Khi đó, bản thân các bé sẽ hiểu rằng chào hỏi là việc nên làm, người lớn hay trẻ nhỏ cũng cần phải chào hỏi.
Vào ngày Tết, cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con “thay thế” lời chào bằng lời chúc Tết, ví dụ “Chúc bác năm mới nhiều sức khỏe, phát tài phát lộc”, “Chúc bác năm mới vạn sự như ý”... Khi cha mẹ chủ động chúc Tết, trẻ sẽ học theo mà không cần nhắc nhở.
TS Vũ Thu Hương cho biết nếu muốn hình thành một thói quen, một người phải lặp lại hành động đó trong ít nhất 40 ngày. Như vậy, nếu muốn hình thành thói quen chào hỏi mọi người, con trẻ phải duy trì thói quen này trong 40 ngày.
TS Hương từng chứng kiến nhiều gia đình không dạy con chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, hay mời cơm vì họ cho rằng việc đó không quan trọng, không cần thiết và luôn cảm thấy con mình ngoan và lễ phép. Nhiều gia đình dạy con chào hỏi thường xuyên nhưng đứa trẻ vẫn không hình thành thói quen này vì phương pháp dạy của cha mẹ không phù hợp với tâm lý của con. Từ đó, đứa trẻ sẽ từ chối những lời dạy dỗ, khuyên bảo của cha mẹ.
Khi dạy trẻ giao tiếp, người lớn nên làm mẫu thay vì bắt ép, ra lệnh. Nhiều người lớn có suy nghĩ mình có quyền ra lệnh, yêu cầu trẻ, bắt trẻ phải làm thế này, làm thế kia. Cách dạy này không hiệu quả vì trẻ sẽ không hiểu được vì sao mình phải làm mà người lớn không cần làm.
Cha mẹ nên là tấm gương, chủ động chào hỏi, chúc Tết để con học theo. Ảnh: Freepik. |
Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ nên chủ động làm mẫu cho con để con học theo. TS Hương lấy ví dụ nếu bạn nói “chào con”, đứa trẻ sẽ quay sang nói “chào bố”. Nếu muốn con chào lễ phép hơn, cha mẹ nên chào hỏi có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Ví dụ: “Bố chào con ạ”, khi đó trẻ sẽ hiểu là bản thân cần chào lại “Con chào bố ạ”.
Khi dạy trẻ, điều quan trọng nhất là bạn phải làm mẫu nhiều lần để giúp con hình thành thói quen. Việc nhắc nhở cũng tương tự, cha mẹ nên nhắc con với vai trò là một người bạn, không nên nhắc con với vai trò bề trên.
“Với các bạn nhỏ, điều quan trọng là bạn phải tạo môi trường cho con phát triển thói quen hoặc truyền đạt cho con thông điệp cụ thể để con học hỏi, ghi nhớ và làm theo”, TS Hương nhấn mạnh.
Đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, các em khó có thể ghi nhớ những mẫu câu dài, nhiều từ vựng khó. Nếu muốn dạy con chúc Tết, cha mẹ chỉ nên dạy con những câu ngắn, đơn giản, có vần và gắn với những hình ảnh quen thuộc hàng ngày như con vật, sự vật.
Dưới đây là một số mẫu câu chúc Tết đơn giản cha mẹ có thể dạy trẻ vào dịp đầu năm.