Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho ý kiến trao đổi cụ thể về đối tượng áp dụng đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, các tiêu chí và bộ câu hỏi, đối tượng cần thu thập thông tin, phương pháp khảo sát và phân tích xử lý dữ liệu.
Các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết của Đề án, thống nhất cao mục tiêu của đề án là làm căn cứ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của dự thảo.
Toạ đàm cũng ghi nhận nhiều góp ý thiết thực, hữu ích, giúp làm rõ góc tiếp cận, phạm vi tiến hành cũng như tường minh các khái niệm, mục tiêu đo lường và định hướng cho thang đo chính xác, hiệu quả, đồng bộ hơn.
Đề cao tinh thần đóng góp và có những trao đổi cụ thể với ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn một lần nữa nhấn mạnh, yêu cầu bảo đảm tính khách quan, tin cậy đối với công tác đo lường của Đề án. Từ đó, có thể làm căn cứ định hướng điều chỉnh chính sách và quá trình triển khai chính sách.
Trong đó, cần lưu ý đơn giản hoá, rút ngắn số câu hỏi chung. Đồng thời, tập trung vào nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể. Thứ trưởng chỉ đạo, Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao trong quá trình triển khai.
Theo Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030, một trong 3 nhiệm vụ Bộ GD&ĐT được giao là: Chủ trì xây dựng và hướng dẫn việc thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công; xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.