Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC |
Những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay. Bất cập từ thực tiễn công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo đặt ra yêu cầu cấp thiết phải luật hóa các quy định với nhà giáo, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý Nhà nước với đội ngũ nhà giáo. Do đó, những vấn đề về nhà giáo cần điều chỉnh bằng một luật riêng để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện.
Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo với quan điểm vì đội ngũ, tạo hành lang pháp lý và cơ chế tốt nhất cho nhà giáo phát triển, nâng cao vị thế là việc quan trọng Bộ GD&ĐT đã làm được trong năm 2023.
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục; hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về nhà giáo; phát triển đội ngũ nhà giáo trên cơ sở tôn trọng đặc điểm nghề nghiệp, vì nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Luật Nhà giáo cũng nhằm kiến tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp mới cho nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế…
Bộ GD&ĐT đã đề xuất 5 chính sách trong Luật Nhà giáo và được Chính phủ thống nhất thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Bộ GD&ĐT thời gian qua rất trăn trở về lương, coi đó là yếu tố quan trọng trong đời sống giáo viên, đóng vai trò quyết định đến mức độ xã hội đánh giá và công nhận họ. Do đó, tôi cho rằng, Luật Nhà giáo phải khẳng định rõ quan điểm về mức lương, giá trị lương nhà giáo.
Cụ thể: Lương cần cung cấp cho giáo viên nguồn thu nhập ổn định của bản thân và gia đình; là yếu tố quan trọng để động viên giáo viên làm việc chăm chỉ hơn; lương cao tạo ra môi trường làm việc tích cực, giúp thầy, cô giáo làm việc hiệu quả và đạt kết quả tốt hơn trong giảng dạy.
Khi nhận mức lương tương xứng và được đánh giá cao, giáo viên có thể cảm thấy hạnh phúc, tự hào về công việc của mình, có khả năng duy trì nghề nghiệp lâu dài. Hay nói khác đi, để giáo viên có động lực cống hiến lâu dài cho sự nghiệp “trồng người”.
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam và học sinh Trường Tiểu học và THCS Hùng An (Kim Động, Hưng Yên). Ảnh: NVCC |
Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT, đặc biệt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhiều lần đề xuất và thể hiện quyết tâm cao trong đề xuất chính sách cho nhà giáo, đội ngũ nhân viên trường học. Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với giáo viên cả nước và trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều mong mỏi, ý kiến của giáo viên.
Hiện nay, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm: Lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, chức vụ lãnh đạo (nếu có), khu vực, ưu đãi, thâm niên và một số chính sách khác. Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi.
Trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như: Phụ cấp ưu đãi, thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên... Tuy nhiên, so với biến động giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế - xã hội thì thu nhập của giáo viên đang ở mức thấp.
Với mong muốn nâng cao thu nhập cho đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học để phù hợp với: Đặc thù ngành cấp học; quy định về trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 và bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học mức tăng từ 5 - 10% và đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần có ý kiến về việc bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; từ đó có căn cứ để đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT có Công văn đề nghị Bộ Nội vụ về việc đề xuất chế độ chính sách cho nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Có thể nói, việc luôn quan tâm và kiên trì với những chính sách hướng về đội ngũ, vì đội ngũ nhà giáo chính là minh chứng sống động cho quan điểm mà Bộ GD&ĐT luôn kiên định: Xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất; nền tảng, bền vững, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp.
Theo nhà khoa học người Mỹ - James Anderson thì “Chính sách là một quá trình hành động có mục đích được theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm”. Bộ GD&ĐT với chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đã coi phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề đặc biệt cần quan tâm trong xây dựng chính sách, cũng như quá trình hành động mang tính sứ mệnh của mình.