Xây dựng văn hóa đọc từ 'Thư viện hạnh phúc'

Hà Nguyên | 26/12/2022, 06:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã xây dựng mô hình thư viện mở để góp phần hình thành cho học sinh thói quen đọc sách.

Thư viện hạnh phúc nên phải… vui mắt

Ngoài khu thư viện truyền thống, Trường Tiểu học Núi Thành còn mở thêm một thư viện mở với không gian xanh mát với tên gọi "Thư viện hạnh phúc". Bàn ghế, tủ sách của thư viện hạnh phúc đều được tái chế từ những vật liệu như lốp xe, thùng sơn được thiết kế, sơn lại với những màu sắc, kiểu dáng bắt mắt, đủ an toàn cho học sinh.

Xây dựng văn hóa đọc từ 'Thư viện hạnh phúc' ảnh 1

Bàn ghế, tủ sách, lọ hoa trang trí của "Thư viện hạnh phúc" được các thầy cô giáo Trường Tiểu học Núi Thành tái chế từ các vật liệu như lốp ô tô, thùng sơn, gỗ ván ép...

Tủ truyện được làm từ thùng sơn và trang trí những bông hoa, ong, bướm, chuồn chuồn,… thu hút học sinh đến khám phá để lấy sách đọc. Tất cả góc cạnh của cửa tủ hoặc chỗ góc cạnh đều được mài nhẵn, bọc nhựa đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thầy giáo Trương Hoàng Thanh, giáo viên Mĩ thuật của nhà trường đã lên ý tưởng tổng thể cho "Thư viện hạnh phúc". Những bức tường bao quanh thư viện được thầy Thanh tự tay vẽ trang trí theo các chủ điểm như trò chơi dân gian, động vật biển, hoa lá… Đôi khi, những học sinh khéo tay được chọn để tham gia vẽ tranh tường cùng thầy. Từ những trang trí này, đã góp phần cho học sinh có ý thức yêu quý bảo vệ động vật biển, gần gũi hơn với thiên nhiên, hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam…

Xây dựng văn hóa đọc từ 'Thư viện hạnh phúc' ảnh 2

Các thầy cô giáo là Đoàn viên trao tặng sách yêu thương cho học sinh.

Ngoài không gian đọc sách, thư viện còn được đặt thêm một số đồ chơi cũng được làm từ các sản phẩm tái chế. Chú lật đật, lọ hoa để bàn được các thầy cô giáo khéo léo làm từ những chiếc lốp xe. Từ các tấm ván gỗ, lốp xe tái chế thành những chú ngựa để các bạn vừa ngồi chơi vừa đọc sách.

Mỗi tuần vào tiết đọc thư viện, thầy cô giáo sẽ đưa học sinh xuống đọc sách sau đó cùng trao đổi, khối lớp nhỏ hơn thì chọn vẽ tranh bìa, được nghe đọc truyện; học sinh lớp lớn hơn có thể tự tìm sách mình yêu thích và chia sẻ lại cùng thầy cô, bạn bè về suy nghĩ cảm xúc, rút ra bài học từ cuốn sách...

Chị Vũ Thị Thanh Nga, nhân viên thư viện Trường Tiểu học Núi Thành cho biết, nhà trường luôn khích lệ các em tham gia vào các hoạt động của thư viện như tổ cộng tác viên, tiết đọc thư viện. Các em lớp 1, lớp 2 chủ yếu đọc sách tranh nhiều hơn chữ, nhưng các em lớp 4, lớp 5 thì sẽ liên tục hỏi về nội dung, mong muốn cô giải thích những đoạn văn các em chưa hiểu. Đặc biệt, từ khi có "Thư viện hạnh phúc", giờ ra chơi, các em rất thích xuống đây đọc sách, xem tranh.

Giờ đọc hạnh phúc

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho biết: “Chúng tôi chọn tên "Thư viện hạnh phúc" với một mong muốn nhỏ nhoi: từng ngày một, thầy trò được đón nhận sự an nhiên, hạnh phúc. Bởi giống như việc gieo một hạt mầm, những học trò đến với thư viện, thầy cô, ba mẹ tìm đến thư viện, trên tay sẽ là những cuốn sách. Chúng tôi kỳ vọng, “Thư viện hạnh phúc” sẽ giống như một “bông hoa” mà mỗi khi nhắc đến thì ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp và được trao niềm hạnh phúc”.

Xây dựng văn hóa đọc từ 'Thư viện hạnh phúc' ảnh 3

Thư viện hạnh phúc được thiết kế rất thân thiện, học sinh có thể thoải mái ngồi, nằm... để đọc sách.

"Chồi cây" mang tên niềm mê sách, đang bắt đầu lớn dần với con người ở ngôi trường hạnh phúc này. Nhà trường đã xây dựng các chương trình, kế hoạch đọc sách như: Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng. Qua đó, học sinh phải tự có ý thức đọc sách để trao đổi với thầy cô, các bạn trong lớp; Giới thiệu sách hay dưới cờ vào mỗi tuần; Kể chuyện theo sách, vẽ trang sách em yêu... Những em đoạt giải nhà trường đều tổ chức thưởng để động viên, khuyến khích. Các chương trình luôn được phụ huynh ủng hộ và các em tham gia rất tốt.

Thư viện thường xuyên tổ chức hoạt động gắn liền với kỹ năng đọc sách và tìm hiểu sách cho các em. Từ những cuộc thi như thiết kế bìa sách, Bức tranh màu sắc; Làm các sản phẩm như thiệp chúc mừng, báo tường, trò chơi trí tuệ như Đố vui - Đọc sách trả lời câu hỏi; Viết bài cảm nhận về nhân vật trong sách; Tổ chức trò chơi giải ô chữ theo chủ đề... đã hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.

Xây dựng văn hóa đọc từ 'Thư viện hạnh phúc' ảnh 4

Thư viện hạnh phúc cũng là không gian vui chơi, giải trí của học sinh Trường Tiểu học Núi Thành với nhiều khu vực đánh cờ vua, vẽ...

Trường Tiểu học Núi Thành còn có Câu lạc bộ "Thư viện hạnh phúc". Ủng hộ hoạt động của "Thư viện hạnh phúc", rất nhiều phụ huynh đã mang sách tới đóng góp. Nhà trường cũng tăng cường huy động đầu sách từ nhiều nguồn lực trong xã hội nhằm bổ sung thêm sách cho thư viện cũng như cho các lớp học.

Em Võ Chiêu Anh, học sinh lớp 2/5 cho biết: “Trong thời gian chờ ba mẹ đến đón vào cuối giờ chiều, em thường tranh thủ đọc sách ở thư viện hạnh phúc. Ở đây có nhiều sách khám phá khoa học nên em rất thích. Lâu lâu, các cô lại đổi sách nên lúc nào em cũng có sách mới để đọc. Mà thoải mái nhất là muốn nằm hay ngồi đọc gì cũng được”.

Bằng nhiều nỗ lực đưa sách đến gần học sinh thông qua mô hình "Thư viện hạnh phúc", Trường Tiểu học Núi Thành đã góp phần lan tỏa thông điệp: “Bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều; bạn càng đọc nhiều, bạn càng đi đến nhiều nơi” đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh.

Anh Lâm Quang Bình – phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Núi Thành cho biết: “Thời gian tạm dừng đến trường vì dịch, các cháu đã tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều, tôi mong muốn môi trường thư viện của nhà trường sẽ giúp bọn trẻ tạo dựng thói quen đọc sách in. Hy vọng hoạt động của Thư viện hạnh phúc sẽ liên tục được duy trì, bổ sung thêm các tiết đọc hữu ích”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng văn hóa đọc từ 'Thư viện hạnh phúc'