Có đòi được tiền khi đã chuyển khoản?
Luật sư Lê Thị Thủy (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, các hành vi dùng thủ đoạn gian dối để tạo sự tin tưởng khiến nạn nhân chuyển khoản và sau đó chiếm đoạt tiền là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, số tiền chiếm đoạt tài sản mà có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong sự việc bà N bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng, luật sư Thủy cho rằng, cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ vai trò chủ nhân của 6 tài khoản ngân hàng mà bà N đã chuyển khoản để xem có sự phối hợp, hỗ trợ đồng phạm của các chủ tài khoản này hay không.
Các đối tượng dẫn dụ nạn nhân từ việc xem video kiếm tiền đến chuyển khoản số tiền lớn. Ảnh: Hoàng Thuận.
“Nếu bị đánh cắp thông tin ngân hàng hoặc các đối tượng lừa đảo giả mạo thông tin cá nhân lập tài khoản nhằm phục vụ cho hành vi lừa đảo thì chủ các tài khoản này không bị liên đới trách nhiệm”, bà Thủy cho hay.
Theo luật sư Thủy, cơ quan công an có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để lần ra người phạm tội từ thông tin tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, có không ít vụ lừa đảo, đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng mạo danh, đi thuê mở tài khoản hoặc mua bán tài khoản nên khó khăn trong việc xác minh, điều tra.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Tín (Đoàn luật sư TPHCM), thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng rất tinh vi, tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng đều là thuê của người khác mở hoặc mua lại từ người khác nên việc truy tìm, xác minh người phạm tội cũng ít nhiều gặp khó khăn.
Trường hợp xác định được các chủ 6 tài khoản ngân hàng này là trong đường dây của nhóm lừa đảo thì các đối tượng thực hiện hành vi phạm pháp sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm.
Nếu chủ các tài khoản này bán cho các đối tượng lừa đảo thì tùy theo tính chất, mức độ cũng có thể xem xét là gián tiếp, tiếp tay cho hoạt động phạm tội và có thể phải đối mặt với việc bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Dù tài khoản ngân hàng của chính các đối tượng lừa đảo hay tài khoản không chính chủ, được mua, thuê của các cá nhân/tổ chức khác thì đây là một trong những căn cứ, đầu mối để cơ quan chức năng điều tra, truy tìm, xác minh tội phạm, sớm xác định được thủ phạm”, luật sư Tín cho hay.
Chị B nói không có khả năng tham gia thì được thông báo sẽ không hoàn trả tiền gốc. Ảnh: Hoàng Thuận.
Ông Tín cho rằng, người dân không thể tự lấy lại số tiền đã chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo nên cần thu thập số điện thoại, nội dung tin nhắn, thông tin tài khoản ngân hàng mà các đối tượng cung cấp, đồng thời trình báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để vào cuộc điều tra, xác minh, giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình.
Bà Thủy cũng cho biết, bà thường xuyên nhận được các cuộc gọi mời chào các hình thức nhận quà, hoặc đầu tư tài chính quốc tế, làm thêm online thu nhập cao, đây cũng là các hình thức lừa đảo rất phổ biến.
“Kẻ xấu nhắm vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để thực hiện hành vi dụ dỗ, lừa đảo. Người dân cần cập nhật các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... để không bị mất tiền”, bà Thủy khuyến cáo.