Xin chữ gì để để may mắn tài lộc cả năm?

22/01/2023, 08:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xin chữ đầu năm là thói quen của nhiều người mỗi dịp Tết. Gửi gắm trong những nét chữ mềm mại, uyển chuyển đó là những ước vọng trong năm mới.

Ngoài ra, người cho chữ thường là những người có học, vì vậy, người xin chữ đem về cũng mong ước con cháu trong nhà trọng chữ nghĩa, trọng tri thức, chịu khó học hành. Từ đó mà tục xin chữ đầu năm ra đời

Học cho chữ không hề dễ

Trân trọng những nét đẹp truyền thống, Minh Anh (24 tuổi) bắt đầu tìm hiểu và học thư pháp từ năm lớp 12. Từ cậu học trò ham học tự chế bút viết bằng tóc và lông gà, sử dụng giấy báo cũ và mực dùng cho bút máy để luyện tập, giờ đây, Minh Anh đã tự tin trong từng đường bút.

5 năm nay, cứ vào dịp cuối năm, Minh Anh lại nhận được nhiều lời mời tham gia hoạt động cho chữ - xin chữ tại các sự kiện như tất niên, tri ân, khai xuân…

Tại các sự kiện này, người dân chủ yếu xin các chữ “Tâm”, “Phúc”, “Trí”, “Tài”, “Lộc”, “Bình an”... Mỗi chữ đều thể hiện mong ước của người xin trong năm mới. Ví dụ, chữ "Lộc" diễn tả cho may mắn, tốt lành trong cuộc sống, chữ "Phúc" tượng trưng cho hạnh phúc, sung sướng.

“Các chữ được viết ra dựa trên nhu cầu của người xin chữ, tuy nhiên, mình cũng cần phải tư vấn sao cho phù hợp, không phải chữ nào người ta yêu cầu mình cũng viết", Minh Anh nói.

Chia sẻ với Zing, Minh Anh cho biết phải mất 2 năm theo đuổi, anh mới bắt đầu đi tặng chữ, việc học viết chữ thư pháp với anh là cả một quá trình học hỏi và rèn luyện mỗi ngày.

Theo Minh Anh, thời gian đầu luyện tập là giai đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi người học sự kiên trì, quyết tâm cao độ. Chưa kể thời gian đó, anh đang là sinh viên năm nhất, không có điều kiện sắm sửa giấy bút tốt, cũng không thể theo học thầy. Đã có lần, Minh Anh bỏ cuộc giữa chừng, bất lực vì tập viết mãi không được.

“Phải mất khoảng 2 tháng, nhìn bút lông ở góc bàn, mình không kiềm được mà cầm lên viết thử. Ngay lúc đó, mình lại viết được, thậm chí tốt hơn trước đó một chút. Mình quay lại, kiên nhẫn tập luyện từng ngày, rảnh lúc nào mình lại cầm bút, giấy lúc đó", Minh Anh chia sẻ.

Sau này, được thầy dạy thư pháp hỗ trợ học phí, Minh Anh mới có cơ hội theo học thầy khoảng 3 tháng. Được thầy “cầm tay, chỉ việc", nắn sửa từng nét, giải thích từng chữ, Minh Anh dần tiến bộ, làm chủ được cây bút, đồng thời có cơ hội gặp nhiều nhà thư pháp nổi tiếng để học hỏi.

Đến hiện tại, anh vẫn luyện tập và học mỗi ngày để nâng cao kỹ thuật cũng như hiểu sâu ý nghĩa mỗi chữ bản thân viết ra.

“Mình nghĩ điều cần nhất ở người học viết thư pháp là không được hấp tấp, nóng vội, cần phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, vừa luyện chữ, vừa luyện tâm. Ngoài ra, bạn cần học bài bản, có thầy dạy, có sách vở để hiểu được lời hay ý đẹp trong từng câu chữ. Lúc đó, bạn mới truyền tải được thông điệp qua nét bút của mình", Minh Anh nói.

Theo ông đồ Vũ Hà, hiện nay, 2 dòng thư pháp thông dụng là Hán Nôm và chữ Quốc ngữ. Trong đó, thư pháp Hán Nôm có phần phức tạp, khó hiểu, khó học, người viết phải nắm quy chuẩn như bố cục, chương pháp… tạo độ sâu của ngữ nghĩa.

Thư pháp Việt xuất hiện sau nhưng nhờ dễ đọc, dễ hiểu nên ngày càng được nhiều người tìm đến. Tuy nhiên, hai dòng thư pháp này song song phát triển, không loại trừ nhau.

Ông Vũ Hà nhận định bất kỳ ai muốn viết thư pháp, muốn cho chữ đều phải học bài bản, thành thạo bút pháp, nắm bộ chữ, hiểu rõ ngữ nghĩa của chữ mình viết ra.

“Không phải cứ dùng bút ‘vung vẩy' vài nét là ra chữ, ra thư pháp. Người học thư pháp, nhất là thư pháp Hán Nôm phải mất thời gian rất dài mới có thể thành thạo, hiểu ý tứ để cho chữ”, ông đồ Vũ Hà nói và nhấn mạnh việc hiểu nội dung, ý nghĩa chữ rất quan trọng.

Người cho chữ có hiểu thì mới tư vấn, giảng giải cho người xin chữ bởi không phải chữ nào cũng dễ dàng cho được, mỗi người sẽ phù hợp với một chữ riêng.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/xin-chu-gi-de-cau-may-man-tai-loc-trong-ngay-dau-nam-post1393873.html
Copy Link
https://zingnews.vn/xin-chu-gi-de-cau-may-man-tai-loc-trong-ngay-dau-nam-post1393873.html
Bài liên quan
Những lời chúc Tết ngắn gọn ý nghĩa
(GDTĐ) - Cầu cho mọi thứ trong quá khứ đều là mở đầu và mọi thứ trong tương lai đều là hy vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin chữ gì để để may mắn tài lộc cả năm?