Định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ là rào cản vô hình làm giới hạn tiềm năng phát triển của học sinh, nhất là trong định hướng nghề nghiệp.
Tại buổi tập huấn truyền thông, hướng đến xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ diễn ra tại Lai Châu, nhiều giáo viên Trường THCS Sùng Phài (TP Lai Châu) đã chỉ ra sự khác biệt giới trong các khía cạnh như: sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp.
Từ thực tế giảng dạy, các thầy cô nhận thấy, nhiều học sinh nữ chưa nhận được sự khuyến khích cần thiết khi bày tỏ mong muốn theo đuổi các ngành nghề thuộc lĩnh vực STEM. Những định kiến này không chỉ hạn chế sự lựa chọn nghề nghiệp của các em, mà còn làm mất đi nhiều cơ hội phát triển phù hợp với năng lực và đam mê cá nhân.
Các ý kiến thể hiện sự trăn trở của giáo viên trước những rào cản vô hình vẫn tồn tại trong môi trường giáo dục, từ đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc xóa bỏ định kiến giới ngay từ trong nhà trường.
Khẳng định vai trò then chốt của giáo viên và cán bộ quản lý trong việc nâng cao nhận thức cho học sinh về bình đẳng giới và quyền của cộng đồng LGBTIQ+, ông Chu Văn Quế - chuyên viên Sở GD&ĐT Lai Châu nhấn mạnh, thầy, cô giáo là người truyền thông điệp tích cực, góp phần từng bước xóa bỏ định kiến giới trong trường học. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự kiên trì lâu dài.
Học sinh của Lai Châu thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Ông Chu Văn Quế cho hay, các em đang nuôi dưỡng những khát vọng nghề nghiệp ngày càng đa dạng và dần không bị bó hẹp trong những khuôn mẫu giới truyền thống.
Thay vì định kiến "nghề cho nam" hay "nghề cho nữ", các em mong muốn theo đuổi ngành nghề dựa trên năng lực, sở thích cá nhân và nhận thức về nhu cầu phát triển của quê hương.
Một số nữ sinh bày tỏ ước mơ trở thành kỹ sư, chuyên gia công nghệ, hay chiến sĩ công an, song song với đó là những học sinh nam mong muốn cống hiến trong lĩnh vực giáo dục, y tế hay nông nghiệp công nghệ cao.
“Điểm chung trong những mong muốn này là khát khao được học hỏi, phát triển bản thân và quay về đóng góp cho bản làng, quê hương. Điều quan trọng là cần tiếp tục tạo môi trường giáo dục và định hướng nghề nghiệp bình đẳng, rộng mở để mọi tiềm năng, không phân biệt giới tính, đều có cơ hội được phát hiện, bồi dưỡng và thành công” – ông Quế nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Đức Lân - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần dựa trên năng lực, sở thích và đam mê cá nhân, không nên bị ràng buộc bởi giới tính.
Các quan niệm “nghề này chỉ dành cho nam” hay “nghề kia chỉ hợp với nữ” đã lỗi thời và không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Thậm chí, đây là những rào cản vô hình giới hạn tiềm năng phát triển của học sinh.
Ông Đỗ Đức Lân kêu gọi các nhà trường, gia đình cùng tạo điều kiện để cả học sinh được khám phá mọi lĩnh vực, từ kỹ thuật, công nghệ đến chăm sóc, nghệ thuật – một cách công bằng và không phân biệt giới. “Tại Lai Châu, giáo viên đang đối mặt với những trở ngại đáng kể trong nỗ lực giáo dục xóa bỏ định kiến giới” – ông Lân nhận định.
Do đó, tập huấn và truyền thông hướng đến xóa bỏ định kiến về giới và định kiến về cộng đồng LGBTIQ+ là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm góp phần giúp nhà trường xây dựng một môi trường học đường an toàn, bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng.
Hãy tôn trọng và ủng hộ những học sinh nam yêu thích các ngành được cho là "truyền thống của nữ" (như điều dưỡng, giáo dục mầm non) và ngược lại, cổ vũ học sinh nữ mạnh dạn theo đuổi các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) hay các ngành kỹ thuật khác.
“Xóa bỏ định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp không chỉ giúp học sinh phát huy tối đa năng lực bản thân, mà còn góp phần xây dựng lực lượng lao động đa dạng, tài năng và một xã hội công bằng, tiến bộ hơn” – ông Lân nhấn mạnh.
Thách thức lớn nhất xuất phát từ những quan niệm và tập quán giới đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số, gây khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của học sinh và cả sự đồng thuận từ phụ huynh.
Bên cạnh đó, sự thiếu thốn tài liệu giảng dạy chuyên biệt, phù hợp với bối cảnh văn hóa đa dạng và các chương trình tập huấn kỹ năng sư phạm về giới còn hạn chế, khiến giáo viên gặp lúng túng.
"Việc cân bằng giữa tôn trọng văn hóa truyền thống và thúc đẩy các giá trị bình đẳng giới là bài toán phức tạp đòi hỏi sự hỗ trợ đa chiều cho đội ngũ giáo viên nơi đây" - ông Lân nhìn nhận.
Hơn 100 giáo viên, học sinh của tỉnh Lai Châu được tập huấn truyền thông, hướng đến xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ trong 2 ngày 9 – 10/4. Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ chương trình giáo dục về giới và bình đẳng giới do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam và Sở GD&ĐT Lai Châu tổ chức.
Thông qua đó, nhằm xây dựng thế hệ trẻ có nhận thức sâu sắc và hành động tích cực vì một xã hội công bằng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử. Đặc biệt, chương trình triển khai tại các trường học thuộc khu vực có đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số – nơi mà định kiến giới và khuôn mẫu xã hội vẫn còn hiện hữu – càng có ý nghĩa thiết thực.
Hoạt động tập huấn nêu trên không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giảm thiểu định kiến và phân biệt đối xử trong cộng đồng, mà còn giúp tạo dựng môi trường học đường thân thiện, bao dung. Học sinh và giáo viên được trang bị kỹ năng truyền thông tích cực, rèn luyện tư duy cởi mở, tôn trọng sự đa dạng và có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội không có chỗ cho sự kỳ thị.