Xoá mù chữ nơi rẻo cao (kỳ 2): Chung sức đẩy lùi mù chữ

18/01/2024, 06:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ chính quyền địa phương, các cấp, ban ngành, tổ chức đoàn thể của Lạng Sơn mà từ học sinh, sinh viên, thanh niên đến những cán bộ...

Toàn huyện Văn Quan có 5 xã đang thực hiện giảng dạy công tác xoá mù chữ. Dự kiến tháng 1/2024, các lớp xoá mù chữ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của huyện Văn Quan sẽ kiểm tra đánh giá công nhận thoát mù chữ.

Địa điểm các lớp học được bố trí linh hoạt, tuỳ thuộc với điều kiện của từng xã. Có nơi tổ chức tại ngay nhà văn hoá, nơi lại tổ chức ngay tại các trường học trên địa bàn,… Thời gian thường vào các buổi tối để thuận tiện cho học viên tham gia. Dù ở không gian nào, thời điểm nào, điều kiện ra sao,… Những lớp học xoá mù chữ cho người dân vùng cao xứ Lạng vẫn diễn ra đều đặn, nghiêm túc, chất lượng.

Ông Liễu Văn Thoại, Phó chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã An Sơn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nói rằng, để duy trì được các lớp học, là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, địa phương.

Ông Thoại dẫn câu chuyện về một học viên 30 tuổi, nhà cách điểm học hơn 10 km nhưng lại không có phương tiện lại. Học viên này đã được bí thư, trưởng thôn trực tiếp đưa đón đến lớp trong nhiều tháng nay. Hay câu chuyện về một học viên khác, sau khi tham gia vài buổi học, biết được cách đọc, cách viết cơ bản đã bắt đầu chán nản, làm đơn xin nghỉ học. Khi đó, ông Thoại cùng giáo viên chủ nhiệm, trưởng thôn đến nhà động viên, phân tích để vận động học viên tiếp tục đến lớp,...

“Hiện ở xã tôi vẫn còn gần 80 người chưa biết chữ, trong đó có những người đã ngoài 70 tuổi ngại đi học vì không biết sử dụng phương tiện đi lại, tuổi cao lười học; một số đi làm ăn xa hay đang tuổi sinh nở nên khó khăn trong việc tham gia lớp học. Do đó, chúng tôi tiếp tục rà soát và khảo sát nhu cầu của người dân để có phương án tổ chức mới lớp phù hợp”, ông Thoại cho biết.

Đánh giá về việc triển khai mô hình giảng dạy lớp xoá mù chữ trên địa bàn huyện, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, không chỉ đội ngũ giáo viên đang đứng lớp trực tiếp tham gia mà Phòng GD&ĐT còn vận động thầy cô giáo về hưu tham gia phong trào xoá mù chữ trên tinh thần tự nguyện, lan tỏa tinh thần hiếu học cho người dân trên địa bàn.

Đồng thời, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan còn huy động lực lượng là người thân của học viên để giúp đỡ người học tiếp tục đọc thông, viết thạo, tính toán và ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Ngoài những thuận lợi đến từ sự đồng lòng, quyết tâm đẩy nạn mù chữ, ông Hiền cho biết huyện Văn Quan là huyện miền núi nghèo, việc sử dụng nguồn kinh phí địa phương chi trả cho giáo viên thực hiện hết sức khó khăn.

“Chúng tôi vận động người tham gia giảng dạy lớp xoá mù chữ trên tinh thần tự nguyện là chủ yếu. Đặc biệt, chúng tôi có sự hỗ trợ tối đa của những nhà giáo đã về hưu, cán bộ trung tâm giáo dục cộng đồng, cán bộ văn hoá xã tham gia giảng dạy, phần nào đó cũng giảm áp lực cho các thầy cô giáo đang công tác”, ông Ngô Văn Hiền nói.

NGÔ CHUYÊN - CẨM VÂN Đồ họa: TIẾN THÀNH
NGÔ CHUYÊN - CẨM VÂNĐồ họa: TIẾN THÀNH

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xoa-mu-chu-noi-reo-cao-ky-2-chung-suc-day-lui-mu-chu-post668905.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xoa-mu-chu-noi-reo-cao-ky-2-chung-suc-day-lui-mu-chu-post668905.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xoá mù chữ nơi rẻo cao (kỳ 2): Chung sức đẩy lùi mù chữ