Xoay quanh ‘cơn ác mộng’ có thể khiến nước Mỹ vỡ nợ

19/05/2023, 13:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khủng hoảng trần nợ công đang trở thành “cơn ác mộng” của Mỹ và có thể khiến nước này vỡ nợ nếu Quốc hội và Nhà Trắng không sớm tìm được sự đồng thuận.

Các khoản nợ công của Mỹ bắt đầu tăng mạnh vào những năm 80 của thế kỷ XX, sau đợt cắt giảm thuế khổng lồ của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Không có nhiều doanh thu từ thuế, chính phủ đã phải vay thêm tiền để chi tiêu.

Trong những năm 1990, chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu quốc phòng và kinh tế phát triển dẫn đến doanh thu thuế cao hơn. Nhưng sau đó, suy thoái vào đầu những năm 2000 buộc cựu Tổng thống George W. Bush cắt giảm thuế hai lần vào năm 2001 và 2003. Sau đó ,các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã làm tăng chi tiêu của chính phủ lên tới gần 6.000 tỉ USD.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, chính phủ Mỹ đã phải tăng chi tiêu để giải cứu các ngân hàng và tăng cường các dịch vụ xã hội trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp lên tới 10%.

Khi tỉ lệ thất nghiệp quay trở lại mức trước suy thoái, vào năm 2017, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã tiến hành một đợt cắt giảm thuế. Khoản nợ công đã tăng thêm 7.800 tỉ USD trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt chính sách kích thích kinh tế. Các chính sách này tiêu tốn của Mỹ đến 5.000 tỉ USD.

Chính phủ Mỹ chi tiêu vào những gì?

Chính phủ Mỹ chi tiêu phần lớn ngân sách dành cho các chương trình bắt buộc như an sinh xã hội, chương trình bảo hiểm y tế quốc gia. Những mục này chiếm gần một nửa tổng ngân sách hàng năm.

Chi tiêu quân sự chiếm phần lớn nhất trong chi tiêu tùy ý, chiếm 12% ngân sách. Các hạng mục lớn khác bao gồm chi tiêu cho giáo dục, đào tạo việc làm, các dịch vụ và lợi ích cho cựu chiến binh Mỹ.

Lần cuối trần nợ công được nâng lên là khi nào?

Trần nợ công thường xuyên được nâng lên để phù hợp với nhu cầu trả nợ của chính phủ và đã được tăng 78 lần kể từ năm 1960. Lần cuối cùng Mỹ nâng mức trần nợ công là vào năm 2021.

Vào năm 2011, cựu Tổng thống Barack Obama và các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội đã bế tắc trong thời gian dài về vấn đề trần nợ. Tuy nhiên, hai bên sau đó đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ, chỉ 2 ngày trước khi Bộ Tài chính Mỹ hết tiền.

Vấn đề này đang được giải quyết ra sao?

Sau một tháng bế tắc kéo dài, ngày 16-5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đồng ý đàm phán trực tiếp về vấn đề trần nợ. Ngày 17-5, ông Biden và ông McCarthy nhấn mạnh quyết tâm sẽ sớm đạt được thỏa thuận.

“Chúng tôi sẽ thỏa thuận với nhau vì không có lựa chọn nào khác. Các nhà lãnh đạo (của quốc hội) đều đã đồng ý” - ông Biden nói. Tổng thống Mỹ cũng cho hay ông sẽ rút ngắn thời gian công du nước ngoài và sẽ quay về Washington vào ngày 21-5 - sớm hơn 3 ngày so với lịch trình ban đầu, theo hãng tin Reuters.

Xoay quanh ‘cơn ác mộng’ có thể khiến nước Mỹ vỡ nợ - 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì cuộc đàm phán về trần nợ công với Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Phó Tổng thống Kamala Harris và Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer. Ảnh: REUTERS

Khi được các phóng viên hỏi liệu Nhà Trắng và Hạ viện có thể đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công vào thời điểm ngày 21-5 hay không, ông McCarthy trả lời: "Có thể làm được".

“Chúng tôi đang chỉ có một khoảng thời gian ngắn. Điều này làm cho việc thỏa thuận khó hơn. Nhưng đối với tôi, tôi không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ hoàn thành thỏa thuận này” - chủ tịch Hạ viện Mỹ nói.

Theo (Pháp luật TPHCM)
https://plo.vn/xoay-quanh-con-ac-mong-co-the-khien-nuoc-my-vo-no-post734000.html
Copy Link
https://plo.vn/xoay-quanh-con-ac-mong-co-the-khien-nuoc-my-vo-no-post734000.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xoay quanh ‘cơn ác mộng’ có thể khiến nước Mỹ vỡ nợ