“Xóm chạy thận” nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một con ngách mà đường không đủ cho hai xe máy đi ngược chiều nhau. Đây hiện là nơi cư trú của hơn 130 bệnh nhân gắn đời mình với máy chạy thận nhân tạo.
Con ngách dẫn vào xóm chạy thận - nơi cư trú của hơn 130 bệnh nhân.
Ảnh: PHI HÙNG
Từ "láng giềng" thành người thân
Chúng tôi có mặt tại “xóm chạy thận” vào một buổi trưa trong những ngày thời tiết Hà Nội giảm xuống dưới 10 độ C, với người bình thường, sức khỏe tốt cũng phải run lên vì lạnh. Với những bệnh nhân chạy thận, sự khó khăn ấy có lẽ càng nhân thêm gấp bội.
Giữa trưa, nhiều bệnh nhân của “xóm chạy thận” đắp chăn kín người. Trong đó có người vừa trở về sau cuộc chiến kéo dài 4 tiếng ở bệnh viện.
Cô Thơm, một bệnh nhân chạy thận ở Chương Mỹ, cách BV Bạch Mai khoảng 2 tiếng đi xe buýt nhưng lâu rồi cô không về nhà để thăm chồng và hai con.
Cánh tay của một bệnh nhân sau bảy năm chạy thận đã không còn hình dạng cũ. Ảnh: PHI HÙNG
“Để lên xe buýt phải bước lên cái bậc cao quá, mà đi xe khác thì không có tiền” - người phụ nữ ngoài 63 tuổi ngậm ngùi.
Đó cũng là lý do mà mặc dù mấy hôm nay trời lạnh, cô Thơm vẫn cố lê lết 100 m với cái chân đau từ “xóm chạy thận” đến BV Bạch Mai vào lúc 6 giờ vì “đi xe ôm lại mất 10.000 đồng”. Những ngày đến ca chẵn của mình, cô Thơm chỉ dám gọi xe cho chiều về vì “lọc xong, cả người đều như tê liệt”.
Cô Thơm chia sẻ về hành trình chạy thận của mình. Ảnh: PHI HÙNG
Nhưng quãng đường 100 m ấy chỉ được tính giá 10.000 đồng khi cô Thơm gọi được người quen đến đón. Đó là nữ tài xế của xóm, cô Mai Thị Hường (56 tuổi, quê Thanh Hóa) có chồng cũng là một bệnh nhân chạy thận.
Vừa đưa đón, chăm chồng, cô Hường vừa làm đủ nghề từ giặt đồ, quét nhà, rửa bát, làm xe ôm cho các bệnh nhân trong xóm và bán nước trong bệnh viện. Cô bảo trung bình mỗi ngày kiếm được 50.000-70.000 đồng nhưng tốn đến 30.000 đồng tiền xăng.
“Mỗi người ở đây đều có một hoàn cảnh riêng nhưng ai cũng nghèo, cũng khổ, cũng phải nghĩ cách mưu sinh” - anh Mai Anh Tuấn (48 tuổi, ngụ Ba Vì, Hà Nội), trưởng “xóm chạy thận”, cho biết.
Trưởng nhóm chạy thận Mai Anh Tuấn. Ảnh: PHI HÙNG
Chiến đấu ròng rã với bệnh hiểm nghèo gần 30 năm không bỏ cuộc, điều giúp anh Tuấn trụ vững trong bạo bệnh không gì hơn chính là khát vọng sống mãnh liệt. Cũng chính khát vọng sống ấy đã thôi thúc anh dù cuộc sống có khắc nghiệt thế nào cũng phải giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.
“Xóm chạy thận” - nơi những người không máu mủ dần trở thành người thân. Ảnh: PHI HÙNG
Anh Tuấn là người hỗ trợ trong mỗi lần các đoàn, tổ chức thiện nguyện đến thăm. Anh nắm rõ ai là bệnh nhân nặng, ai là người khỏe hơn, cũng rõ hoàn cảnh của từng người, đảm bảo từng món quà, từng khoản hỗ trợ đến được với người cần một cách công bằng, đúng ý nghĩa.
Đôi tay co ro của anh Tuấn khi ngồi bên ngoài trời rét lạnh, lúc anh chia sẻ về hoạt động của xóm chạy thận. Ảnh: PHI HÙNG
“Chúng tôi thân thiết hơn cả anh chị em ruột thịt. Ở đây cả năm với nhau, thậm chí Tết cũng không ai được về. Bây giờ đây có khác gì là nhà tôi đâu” - cô Thơm nói.
Những người sống ở “xóm chạy thận” nhiều năm như cô Thơm, anh Tuấn, anh Cương, ông Diện… đều không còn nhớ được rằng đã có bao nhiêu người đến và đi khỏi xóm này. Bởi mỗi năm vài người trong xóm sẽ chết…, bệnh nhân mới lại vào. |
“Trong xóm có ai ốm đau, chúng tôi cảm thấy như người nhà của mình đau. Với người thân, hai tháng tôi mới được gặp một lần, mỗi lần về cũng chỉ được một ngày. Còn ở đây, chúng tôi chạy vạy, lo lắng, thuốc thang cho nhau. Có lần 2 giờ sáng chúng tôi đã gọi nhau đưa một người vào bệnh viện cấp cứu vì bị đột quỵ” - anh Cương nhớ lại.
Năm mới chỉ mong sức khỏe
Những ngày Tết đến cận kề, trái ngược với bầu không khí nhộn nhịp dòng người mua sắm ngoài đường phố ở Hà Nội, “xóm chạy thận” vẫn yên ắng như ngày thường.
PĐối với những cư dân ở “xóm chạy thận”, từ lâu họ đã không còn chúc nhau “tiền vào như nước” hay “làm ăn phát đạt” mỗi khi năm mới đến. Điều họ mong muốn cho Tết này cũng như nhiều Tết sau là vẫn sống, vẫn đủ sức để một tuần ba lần vượt 100 m đến BV Bạch Mai.
Tết đến, "cư dân" xóm chạy thận không mong gì hơn ngoài sức khoẻ, đủ tiền thuốc men. Ảnh: PHI HÙNG
“Tôi chỉ mong chồng còn đủ sức như hiện tại để tiếp tục ngồi sau xe tôi mỗi sáng thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Mong bệnh của chồng không trở nặng để phải nhập viện, cứ vui vẻ đi đi về về như hiện tại là tốt lắm rồi - cô Hường cho biết.
Còn với cô Thơm, Tết này cũng như các Tết khác, chỉ mong ở hiền gặp lành và có thể lo đủ tiền thuốc.
Riêng vợ chồng anh Cương thì chưa có tính toán gì cho Tết này. Anh chị không có con, toàn bộ chi phí ăn ở và thuốc thang đều do hai bên gia đình nhà nông ở quê gửi lên.
Ấm áp tình người trong những ngày giá rét
“Xóm chạy thận” chỉ là những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp, có chút tối tăm, mỗi người sống ở đó có một quê, một hoàn cảnh khác nhau. Trên khuôn mặt hốc hác của những người bệnh, đôi mắt chốc chốc lại đưa cái nhìn xa xăm và ẩn sâu trong đó có nỗi buồn, có sự chấp nhận.
Nhưng ở đó cũng có cả bản lĩnh, nghị lực và khát vọng sống - một khát vọng giúp họ luôn lạc quan, chân thật khi đối diện với những người đến thăm như chúng tôi và cũng chính khát vọng ấy giúp họ nhẹ lòng, bao dung hơn khi đối diện với cuộc đời.
Những ngày Hà Nội rét đậm, nhiệt độ dưới 10 độ C, hơn 130 bệnh nhân ở “xóm chạy thận” lại càng cần có nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một quê, những mảnh đời cứ thế nương tựa vào nhau.