Bà Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lương Yên, cho rằng hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường. Các giáo viên, học sinh được hiểu biết thêm về pháp luật đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, trong đó có "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động".
Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em, việc quy định trẻ em chưa đến tuổi lao động không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi."
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (đứng) kiến nghị quy định rõ khi nhà nước thu hồi đất, cần "hỗ trợ cho trẻ em dưới 16 tuổi"
Tuy nhiên, Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định người chưa đủ 13 tuổi cũng có thể làm các công việc theo quy định pháp luật. Đơn cử như các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.
Do đó, việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "hỗ trợ trẻ em chưa đến tuổi lao động" sẽ chưa bao quát và không cụ thể được quyền và lợi ích mà trẻ em được bảo vệ theo quy định tại Luật Trẻ em 2016. Vì thế, luật sư Phạm Thị Bích Hảo kiến nghị quy định rõ "Hỗ trợ cho trẻ em dưới 16 tuổi".