Xử lý bỏ cọc sau trúng đấu giá tài sản: Có nên nâng mức tiền đặt trước?

Theo Ngọc Thành/VOV.VN | 14/03/2024, 17:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quy định mức tiền đặt trước, nhất là việc có nên nghiên cứu nâng cao hơn với tài sản có giá trị lớn là vấn đề đang được đặt ra khi sửa Luật Đấu giá tài sản.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát, có thể bổ sung một số nội dung. Ví dụ như vấn đề lấy lại tiền đặt cọc trước khi thay đổi thông tin đấu giá. “Chúng tôi đặt cọc rồi nhưng tự nhiên anh thay đổi, tôi không muốn nữa thì tôi lấy lại tiền này thì quy định thế nào? Tôi có quyền thay đổi vì anh thay đổi thông tin thì tôi có quyền thay đổi quyết định của tôi. Nếu không quy định vấn đề này thì sau này rất khó xử” – ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Xử lý bỏ cọc sau trúng đấu giá tài sản: Có nên nâng mức tiền đặt trước?- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đấu giá lại khi đấu giá không thành công cũng cần phải có quy định, nếu không sẽ thiếu. Hiện nay trong dự án luật trường hợp đấu giá không thành công thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Cho nên, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giảm giá khởi điểm của tài sản sau mỗi lần đấu giá không thành công.

“Việc khi đấu giá không thành công thì việc tổ chức đấu giá lại, giảm giá các lần như thế nào cũng cần phải có quy định và có khung như thế nào đó để Chính phủ quy định sau này. Chúng ta không lường hết được những diễn biến thực tế trên thị trường trong cuộc sống, mà không quy định lại không làm được. Luật này là luật về kỹ thuật, chuyên ngành rất sâu nhưng liên quan đến thủ tục cải cách hành chính, quyền, lợi ích của các bên, liên quan đến nhiều dự án luật khác nặng về kỹ thuật” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để giải quyết các điểm nghẽn.

Tăng cường đấu giá trực tuyến với tài sản công

Về đấu giá trực tuyến và áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản công, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Minh Sơn cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu bổ sung về đấu giá trực tuyến trên cơ sở luật hóa các quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn tại Nghị định số 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ

Đồng thời quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành nhằm một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; mặt khác đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định bắt buộc phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để thực hiện đấu giá trực tuyến mà nên để người có tài sản lựa chọn và quyết định vì hiện nay đã có hơn 15 tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin đấu giá trực tuyến được phê duyệt. Việc quy định bắt buộc như trên là chưa phù hợp với chủ trương xã hội, chưa bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng và có thể dẫn đến tình trạng các Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản đã xây dựng, vận hành nhưng không còn được sử dụng, gây lãng phí cho xã hội vì tài sản đấu giá hiện nay chủ yếu là tài sản công.

Liên quan nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá việc dự thảo có quy định về đấu giá trực tuyến là tiến bộ; do đó nghiên cứu quy định một số khung, các bước trình tự như thế nào để Chính phủ quy định chi tiết nhằm tăng cường đấu giá trực tuyến lên.

“Mình đưa vào đây chỉ một câu chung rồi giao Chính phủ quy định thì rất khó cho Chính phủ” – ông Vương Đình Huệ góp ý.

Xử lý bỏ cọc sau trúng đấu giá tài sản: Có nên nâng mức tiền đặt trước?- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, phương án Chính phủ trình là xây dựng củng cố cổng hay trang đấu giá ở bộ, sau này theo phương án xã hội hóa xây dựng một phần mềm để bán đấu giá trực tuyến.

“Tinh thần Chính phủ trình và quan điểm của Bộ Tư pháp là việc này chúng ta không bắt buộc tất cả các tài sản công phải qua cổng của bộ, để đảm bảo nguyên tắc dân sự và thị trường” – ông Lê Thành Long nhấn mạnh.

Theo VOV
https://vov.vn/chinh-tri/xu-ly-bo-coc-sau-trung-dau-gia-tai-san-co-nen-nang-muc-tien-dat-truoc-post1082655.vov
Copy Link
https://vov.vn/chinh-tri/xu-ly-bo-coc-sau-trung-dau-gia-tai-san-co-nen-nang-muc-tien-dat-truoc-post1082655.vov
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý bỏ cọc sau trúng đấu giá tài sản: Có nên nâng mức tiền đặt trước?