Theo TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), học sinh đang tuổi dậy thì nên tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Đôi lúc các em ứng xử chưa chuẩn mực với thầy cô. Có những lúc giáo viên phải nuốt nước mắt vào trong. Thường các thầy, cô giáo chân chính sẽ lấy lại được thăng bằng. Họ chấp nhận sự khác biệt của học trò và cố công dạy dỗ, uốn nắn để trò nên người. Có những học sinh cá biệt nhưng được thầy, cô giáo giúp đỡ đã trở thành công dân tốt, gương mẫu…
Nhắc lại câu thành ngữ “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích, học sinh THCS, THPT là giai đoạn khủng hoảng với nhiều biến động trong sự phát triển tâm sinh lý. Tò mò, ham mê khám phá, mong muốn thể hiện mình, bốc đồng, thiếu kiểm soát, thường hành động trước khi suy nghĩ chín chắn… là những biểu hiện thường thấy của học sinh ở giai đoạn này. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, những hành vi này là đặc điểm lứa tuổi, tránh “gán mác” cho học sinh là láo, vô đạo đức, khó dạy…
Theo TS Thanh Nga, việc giáo viên báo cáo với nhà trường và gia đình là cần thiết nhằm tăng cường phối hợp trong giáo dục học sinh. Song cần tránh việc phạt, hoặc bêu gương. Giáo viên nhất thiết phải nắm vững đặc điểm tâm lý lứa tuổi học trò. Giáo dục học sinh, nhất là những em được cho là cá tính hoặc “cá biệt”, cần xuất phát từ mong muốn phát triển nhân cách của các em chứ không phải vì thành tích của lớp. Vì khi nhìn vào thành tích, thầy, cô giáo thường nôn nóng, sốt ruột và thiếu đi tình cảm.
Giáo viên đừng đóng vai là “người phán xử” hay “cảnh sát, công an”, hãy tìm cách trở thành bạn của các em. Khi đó, thầy, cô mới có thể nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư và đưa ra những lời khuyên hợp lý. “Thay đổi hành vi của một con người, uốn nắn một nhân cách, ngoài việc áp dụng các phương pháp, cần gửi gắm vào đó cả tình cảm và sự mến yêu” – TS Nga chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, cô Lê Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Ninh (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng, giáo viên ngày càng chịu nhiều áp lực. Những áp lực này có thể xuất phát từ phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội… Trước những áp lực có chiều hướng ngày càng gia tăng khiến một số giáo viên thu mình và “sợ” học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, với những giáo viên tâm huyết, yêu nghề, yêu trò sẽ có cách giải quyết thấu tình, đạt lý trước các tình huống sư phạm ngoài giáo án. “Giáo viên phải biết chuyển cảm hóa cảm xúc tiêu cực; ít nhất cần hít thở thật sâu nhiều lần để lấy lại thăng bằng” – cô Hà trao đổi.
Thừa nhận, nhiều lúc học sinh khiến mình “phát điên”, cô Bùi Thị Ngọc Lan – giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, khi đó, cô chuyển vai từ người thầy sang người bạn; nói chuyện thẳng thắn, lắng nghe những khó khăn, bức xúc, trăn trở và cùng “các bạn ấy” giải quyết vướng mắc.
“Để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho mình, tôi xem lại những tin nhắn, tấm bưu thiếp, cuốn sách, bức tâm thư… của những thế hệ học trò dành cho mình. Từ đó, bản thân vững tâm hơn và có động lực để tiếp tục miệt mài bên trang giáo án, với phấn trắng, bảng đen” – cô Lan bật mí.
“Tôi luôn tôn trọng, yêu mến những học sinh thích khẳng định mình và tạo sự khác biệt. Bởi khi bằng tuổi các bạn ấy, tôi cũng như vậy. Tôi sẽ cùng với phụ huynh, giúp đỡ các bạn ấy trong hành trình tỏa sáng bản thân và định hướng cách tạo sự khác biệt tích cực, nhân ái” - cô Bùi Thị Ngọc Lan nói.