Những hành vi "phản cảm" với học sinh
Liên quan đến vụ việc hai giáo viên các trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn), Phan Huy Chú (Thạch Thất) có hành vi phản cảm, chưa chuẩn mực, hành động chưa đúng với vị trí của giáo viên, đã gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Trong clip được phát tán trên mạng xã hội, vì một lý do nào đó mà nữ sinh lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã đặt bánh sinh nhật ở cửa hàng khác. Khi nữ sinh mang bánh đến lớp đã bị bà N.T.P. chủ nhiệm lớp đã mắng nữ sinh với lời lẽ rất nặng nề. Thậm chí bà N.T.P. còn đe dọa hạ hạnh kiểm không cho thi tốt nghiệp khiến nữ sinh lo sợ, hoang mang.
Sau đó, nữ sinh bị đuổi ra ngoài hành lang, nữ sinh đã khóc rất nhiều, hoảng loạn ôm chân cô N.T.P. và liên tục nói "Em xin lỗi cô, cô tha cho em", quỳ dưới đất, không đứng dậy thì bà N.T.P. đã túm áo nữ sinh kéo mạnh trên nền đất.
Sau khi vụ việc xảy ra, hiện cô giáo P đã bị điều chuyển không còn là chủ nhiệm lớp 12D4. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản số 3560/SGDĐT-TCCB về việc yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn) tạm đình chỉ công tác đối với bà N.T.P. giáo viên của trường vì có hành vi không chuẩn mực đối với học sinh.
.jpg)
Hình ảnh clip ghi lại, thầy giáo trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất) đã bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng “mày, tao” thiếu chuẩn mực - (ảnh cắt từ clip).
Vụ việc bà P chưa lắng xuống, ngành giáo dục Thủ đô lại nhận thêm tin dữ, khi ngày hôm nay (2/10), một clip khác xuất hiện trên mạng xã hội quay cảnh một giáo viên nam tên N.T.T ở Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất) bóp cằm, chỉ tay vào mặt, quát tháo học sinh bằng những lời lẽ xúc phạm khiến dư luận bức xúc.
Hay như vào thứ Bảy ngày 30/9/2023, một học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Hải Hòa phường Hải Hòa, (TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã bị cô giáo L.T.H dùng roi tre đánh nhiều lần vào lưng gây bầm tím.
.jpg)
Thực tế, trước vụ việc của bà N.T.P, giáo viên N.T.T ở Hà Nội hay cô giáo L.T.H ở Thanh Hóa vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng từng xảy ra những vụ việc tương tự về những hành vi "phản cảm" không chuẩn mực của giáo viên đối với học sinh, cụ thể như:
Thời điểm cuối tháng 03/2023 hai clip chia sẻ nội dung về một nữ sinh tại lớp 10A10, Trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), đứng ở bục giảng bị giáo viên cầm kéo cắt tóc gây xôn xao dư luận. Theo đó, nữ sinh này mặc đồng phục, có bộ tóc khá dài và bị cô giáo bắt đứng trước lớp. Cô giáo liên tiếp đưa ra lời khiển trách nữ sinh. Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi nữ giáo viên cầm kéo cắt tóc nữ sinh.
Ngay sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Có ý kiến cho rằng, học sinh vi phạm nội quy nhà trường thì trước hết phải nhắc nhở, nếu vẫn không nghe có thể đình chỉ học. Giáo viên không có quyền xâm phạm đến thân thể của người khác - dù đó là học sinh của mình.
Có những ý kiến gay gắt cho rằng, đây là hành vi rất phản cảm, là một hình thức lạm dụng các hình thức xử phạt đối với học sinh, cần phải phê phán và xử lý nghiêm để răn đe.
Trước đó vào năm 2020, Trường THPT Vĩnh Xương ở An Giang đã tiến hành kỷ luật nữ sinh N.T.N.Y. dưới cờ khi em vi phạm quy định, khiến nữ sinh Y. để lại thư tuyệt mệnh với nội dung dùng cái chết để phản ứng việc kỷ luật của trường. Đây là bài học đau xót đối với ngành giáo dục địa phương cũng như ngành giáo dục cả nước nói chung.
Không chỉ có lời lẽ, hành vi phản cảm với học sinh, ở thời điểm cuối tháng 03/2023 tại Đắk Lắk, 4 giáo viên trường THPT Chu Văn An đã dùng hình ảnh, từ ngữ phản cảm, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, vụ việc sau đó phải được cơ quan công an vào cuộc xử lý.
Nên chăng giáo dục lại đạo đức đối với người thầy ?
Từ một số hiện tượng phản ánh nêu trên cho thấy, tình trạng lạm dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt đối với học sinh cần được chấn chỉnh. Khi học sinh mắc lỗi, hiện tượng một số giáo viên áp dụng các hình phạt như quỳ, úp mặt vào tường, cho nghỉ học, “bêu tên”, uống nước giẻ lau bảng, hoặc có hành vi đánh đập gây thương tích cho học sinh… là những điều đáng phê phán.
Những hình thức kỷ luật, xử phạt như vậy cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, không để xảy ra các hiện tượng biến tướng, làm "méo mó" hình ảnh nhà giáo, giảm đi sự tôn nghiêm, kính trọng của học sinh đối với người thầy.
.jpg)
Khi nhìn thấy những hình phạt như vậy, nhiều học sinh không khỏi hoang mang, lo lắng; học sinh bị phạt thì lo sợ, bỏ học, trầm cảm, năng lực học tập bị ảnh hưởng, sa sút. Một số em bất mãn về mách với phụ huynh, sau đó phụ huynh làm to chuyện như bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi; có những học sinh nhờ người quen vào trường đánh giáo viên để trả thù, hoặc có trường hợp chính học sinh phản kháng lại hình thức kỷ luật, xử phạt đó bằng những hành vi rất nguy hiểm.
Những hiện tượng nêu trên cho thấy, cần phải có những chuẩn mực trong việc áp dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Xử lý quyết liệt đối với việc giáo viên tùy tiện áp dụng hình thức kỷ luật, xử phạt đối với học sinh gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần của học sinh.
.jpg)
Khi các hình thức kỷ luật, xử phạt phản giáo dục đối với học sinh bị phát hiện thì nhiều giáo viên bị kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc, có trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động… Đây là điều rất đáng tiếc, bởi giáo viên áp dụng hình thức kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, phản cảm là do nóng nảy, thiếu kiềm chế, chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống trong việc quản lý và giáo dục học sinh.
Nhiều bạn đọc đã có ý kiến cho rằng, phải chăng việc xử lý đối với nhà trường và giáo viên vi phạm chưa đủ răn đe, hay ngành giáo dục mới chỉ quan tâm tới dạy học sinh mà chưa quan tâm việc chấn chỉnh ý thức nhà giáo đối với người thầy, nên tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra?
Theo Thông tư 32/TT/2020/BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 của Bộ GD&ĐT, nghiêm cấm việc giáo viên và nhà trường sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh…
Việc đưa ra các hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm là tốt, nhằm mục đích nhắc nhở, giáo dục các em thức tỉnh đối với những việc làm vi phạm, khiến các em thay đổi và phát triển.
Tuy nhiên các hình thức kỷ luật cần đảm bảo tính giáo dục, phù hợp đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất của từng học sinh, đồng thời giúp các em nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, để sửa chữa khuyết điểm, tự giác rèn luyện để tiến bộ.
Việc kỷ luật học sinh cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với vấn đề liên quan.