Sức khỏe

Xử trí ngộ độc xyanua thế nào?

Như Loan 19/07/2024 15:52

Xyanua là hóa chất cực độc, được liệt vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Minh Phương, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Thanh Nhàn, xyanua là loại chất độc có thuốc giải độc nhưng không phải sẵn có tại các cơ sở y tế. Việc điều trị chủ yếu là ngăn chặn tiếp tục phơi nhiễm, bảo đảm các chức năng sống và điều trị hồi sức tích cực trong trường hợp ngộ độc nặng.

Khi thấy biểu hiện ngộ độc xyanua, chúng ta cần ngăn chặn không để tiếp tục phơi nhiễm với độc chất bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm, ra khỏi không gian chứa chất độc, làm sạch da bằng xà phòng và nước sạch, quản lý đường thở, hỗ trợ hô hấp nâng cao khi cần thiết, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, nhanh chóng đến trung tâm cấp cứu.

Tại bệnh viện, người ngộ độc xyanua cần được đảm bảo hô hấp, huyết động, rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính nếu phơi nhiễm qua đường miệng. Người bị ngộ độc đến sớm, sử dụng antidote càng sớm càng tốt nếu sẵn có tại cơ sở y tế.

Người ngộ độc xyanua cần được nhanh chóng đưa đến trung tâm cấp cứu. (Ảnh minh hoạ)
Người ngộ độc xyanua cần được nhanh chóng đưa đến trung tâm cấp cứu. (Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, xyanua là hoạt chất hóa học chứa nhóm cyano. Đây là chất cực độc được biết đến từ những năm đầu của thế kỷ XIX. Xyanua có thể được tồn tại dưới dạng khí, hydro xyanua, muối, kali xyanua. Chúng được tìm thấy trong các thực phẩm tự nhiên như măng tươi, sắn tươi, hạnh nhân, đậu ngự. Bên cạnh đó, xyanua cũng được tìm thấy trong các chế phẩm công nghiệp như thuốc trừ sâu, dung dịch tráng rửa phim, chất tẩy rửa đồ trang sức, sản xuất nhựa, cao su, sản phẩm sau các đám cháy.

Xyanua là loại chất độc rất mạnh, đã được sử dụng trong rất nhiều vụ giết người hàng loạt và tự tử. Chúng được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, niêm mạc, đường hô hấp sau đó phân bổ nhanh vào cơ thể và gây độc.

Xyanua dạng lỏng có thể được hấp thụ qua da, mắt. Bên trong tế bào, xyanua bám vào các metalloenzyme phổ biến và bất hoạt chúng, đặc biệt là cytochrome oxidase và ức chế quá trình hô hấp tế bào ngay cả khi đủ lượng oxy dự trữ. Não và tim là hai cơ quan có nhu cầu tiêu thụ oxy cao nên bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Chất xyanua, hay còn gọi là cyanide là một trong những chất hóa học bị cấm lưu hành trái phép trên thị trường hiện nay. Theo cơ quan chuyên môn y tế, chỉ với khoảng 50 - 150 mg xyanua không những làm hại sức khỏe mà còn cướp đi tính mạng của một người khỏe mạnh. Đây là chất cực độc và tại Việt Nam đã bị cấm lưu hành, buôn bán, trao đổi, phát tán, sử dụng dưới mọi hình thức.

Xyanua là hóa chất cực độc, thậm chí được liệt vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc. Chúng được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế rất nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, một liều rất nhỏ cũng có thể gây tử vong. Người nhiễm xyanu tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của xyanua phụ thuộc vào dạng (muối hay khí), thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.

Thông thường, sau khi bị ngộ độc xyanua, nạn nhân sẽ trải qua ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn kích động, người bị nhiễm độc sẽ có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn. Sau đó, nạn nhân bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí. Cuối cùng, nạn nhân dần rơi vào trạng thái giảm trường lực cơ và mất phản xạ, bị trụy tim mạch, hạ oxy trong máu, dẫn đến tử vong.

Những dấu hiệu để nhận biết khi trúng độc xyanua đó là cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn và kiệt sức. Khi phát hiện ra người có dấu hiệu trên, chúng ta cần nhanh chóng đưa người nhiễm độc xyanua đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Theo các tổ chức y tế, nếu người trúng độc xyanua trong vòng hai giờ không được chữa trị kịp thời, sẽ gây nguy cơ tử vong rất cao.

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/xu-tri-ngo-doc-xyanua-the-nao-ar884179.html
Copy Link
https://vtc.vn/xu-tri-ngo-doc-xyanua-the-nao-ar884179.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử trí ngộ độc xyanua thế nào?