Giáo dục

Xuất hiện các tổ hợp thiếu môn cốt lõi, trường đại học phải xem lại

Lê Vân/Báo Tin tức 09/04/2025 22:19

Để thuận lợi cho học sinh lựa chọn các môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình mới phù hợp với năng lực, sở trường và mục tiêu xét tuyển, nhiều trường đại học bổ sung tổ hợp xét tuyển. Nhưng cũng có trường đưa tổ hợp mới không có môn học cốt lõi khiến dư luận băn khoăn.

Chú thích ảnh
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học 2025. Ảnh: TTXVN

Mở rộng cơ hội cho thí sinh

Theo thông tin từ Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2025, trường có 6 tổ hợp xét tuyển. Trong đó, ngoài các tổ hợp truyền thống, nhà trường đã bổ sung thêm 2 tổ hợp có môn Tin học là Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Vật lý, Tin học.

Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cũng bổ sung tổ hợp mới là GT1 (Toán, Vật lý, Tin học) từ năm 2025 với một số ngành như Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật robot, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến dành 50% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Một số tổ hợp mới trong xét tuyển như: Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học; Ngữ văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng bổ sung tổ hợp xét tuyển K01 (Toán, Ngữ văn kết hợp với một trong 4 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) ngoài các tổ hợp tuyển sinh truyền thống.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến triển khai các tổ hợp mới có môn Công nghệ, Tin học gồm: Toán, Vật lý, Công nghệ (A0C); Toán, Vật lý, Tin học (A0T); Toán, Hóa học, Công nghệ (B0C); Toán, Tiếng Anh, Công nghệ (D0C). Đây sẽ là một trong các tổ hợp được sử dụng để xét tuyển vào 35 ngành/chương trình đào tạo của nhà trường.

Theo TS. Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp thông qua việc lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Môn Tin học và Công nghệ cùng với các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học… đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục STEM. Do đó, việc đưa các môn này vào tổ hợp xét tuyển là phù hợp với yêu cầu của một số lĩnh vực đào tạo chính của nhà trường như Công nghệ, Kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin; phù hợp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, cũng có những trường mở tổ hợp không có môn cốt lõi. Chẳng hạn, Trường Đại học Hòa Bình sẽ tuyển sinh tất cả các ngành với 4 tổ hợp. Trong đó, ngành Y khoa thuộc khối sức khỏe chỉ có 1 tổ hợp xét tuyển có môn Sinh học là B00 còn 3 tổ hợp khác là A00 (Toán, Vật lý, Hóa), D07 và A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh). 3 ngành Y học cổ truyền, Dược học, Điều dưỡng cũng xét tuyển 4 tổ hợp B00, A00, D07 và A11 (Toán, Hóa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).

Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào Trường Đại họcKinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh có thể sử dụng 6 tổ hợp môn để xét vào mỗi ngành. Trong đó, Ngữ văn được sử dụng làm môn chính cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Cần xem xét lại

Từ năm 2025, do chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bỏ giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển đối với mỗi ngành, chương trình đào tạo. Trước đây, mỗi ngành chỉ được sử dụng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào, quy chế yêu cầu tổ hợp xét tuyển phải có ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó Toán hoặc Ngữ văn chiếm ít nhất 25% trọng số. Đặc biệt, từ năm 2026, số môn chung giữa các tổ hợp phải chiếm ít nhất 50% trọng số xét tuyển, đảm bảo tính đồng nhất trong đánh giá năng lực thí sinh.

Hiện nay, một sốcơ sở giáo dục đại học tuyển sinh các tổ hợp khi không có môn học cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo. Ví dụ có trường tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh nhưng tổ hợp xét tuyển không có môn Tiếng Anh hay ngành Y không dùng điểm Hóa, Sinh; thậm chí Sư phạm Vật lý nhưng tổ hợp không yêu cầu môn Vật lý.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, kết quả thực hiện tuyển sinh năm 2024 cho thấy thực trạng các cơ sở đào tạo sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu thông tin. Có tới hơn 200 phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng kí; chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói, chúng ta không giới hạn số lượng tổ hợp không có nghĩa là để các trường tự do trong việc đưa các tổ hợp chỉ với mục đích tuyển được nhiều hơn. Việc mở rộng số lượng tổ hợp này là để các trường có cơ hội tuyển đúng những thí sinh phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo của mình trong bối cảnh chương trình phổ thông mới cho phép học sinh được lựa chọn môn học. Nguyên tắc cơ bản là với những môn học có tính chất tạo kiến thức điều kiện trong chương trình đại học, nhưng ở phổ thông học sinh lại không chọn học những môn đó, thì các trường đại học không được tuyển những em này".

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, nếu một phương thức xét tuyển/tổ hợp xét tuyển không đánh giá được tri thức, năng lực cốt lõi dành cho ngành đó thì các trường phải xem lại.

Bộ GD&ĐT đã giao Vụ Giáo dục Đại học dự thảo và xây dựng công văn để yêu cầu các trường rà soát về việc này.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/xuat-hien-cac-to-hop-thieu-mon-cot-loi-truong-dai-hoc-phai-xem-lai-20250409092016726.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/xuat-hien-cac-to-hop-thieu-mon-cot-loi-truong-dai-hoc-phai-xem-lai-20250409092016726.htm
Bài liên quan
Tuyển sinh đại học 2025: Điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tế
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hệ thống giáo dục đào tạo (GDĐT) đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Theo đó, công tác tuyển sinh đại học không chỉ nhằm tuyển đủ chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo mà còn phải bảo đảm chất lượng, tính minh bạch và công bằng trong xét tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất hiện các tổ hợp thiếu môn cốt lõi, trường đại học phải xem lại