Xuất khẩu giáo dục

21/09/2023, 16:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những năm gần đây, Việt Nam có chuyển động tích cực về thu hút sinh viên quốc tế.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình hằng năm có từ 4 nghìn đến hơn 6 nghìn lưu học sinh được tiếp nhận mới vào Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45 nghìn lưu học sinh. Các sinh viên này đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 26,6% theo diện Hiệp định.

Các trường đại học đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thu hút lưu học sinh như: Xây dựng chương trình chuẩn quốc tế dạy bằng tiếng Anh, mở ngành đặc thù, trao học bổng, miễn giảm tiền ký túc xá, hỗ trợ học tiếng Việt miễn phí, trao đổi văn hóa...

Những đơn vị có lượng lưu học sinh lên tới hơn 1 nghìn và đa dạng quốc tịch có thể kể đến: Đại học Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (47), Trường Đại học Hà Nội (44), Đại học Huế (38), Đại học Thái Nguyên (29), Đại học Đà Nẵng (13)… Đáng chú ý, một số trường đại học ngoài công lập cũng bắt đầu thu hút sinh viên quốc tế như Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Hồng Bàng, Cửu Long…

Công tác kiểm định chất lượng ngày càng quy củ, đi vào chiều sâu đã thúc đẩy các trường đại học nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế, mà thu hút lưu học sinh là một trong những điểm nhấn quan trọng. Tăng lưu học sinh giúp các trường nâng điểm đáng kể trong kiểm định chất lượng, đặc biệt là kiểm định quốc tế, từ đó góp phần nâng cao thứ hạng trên bảng xếp hạng khu vực và thế giới.

Tuy vậy, thu hút sinh viên quốc tế không đơn giản là giúp các trường tăng điểm, thứ hạng. Tăng lưu học sinh đồng thời còn mở ra cơ hội giao lưu, kết nối mở rộng quan hệ hợp tác đa quốc gia, vì mỗi lưu học sinh được xem như một đại sứ văn hóa, cầu nối tình hữu nghị. Đáng chú ý, nguồn học phí từ sinh viên quốc tế là cánh cửa mở cho đơn vị trong bài toán đa dạng nguồn thu.

Câu chuyện Trường Đại học Hà Nội đạt được 8% nguồn thu nhờ thu hút 5% sinh viên quốc tế trên tổng sinh viên là gợi mở cho các trường trong định hướng phát triển. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã coi giáo dục là ngành xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo giai đoạn 2022 - 2030, giáo dục đại học cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế.

Việt Nam là nước ổn định về chính trị và kinh tế. Giá cả sinh hoạt và học phí các khóa học rẻ, cơ hội tìm kiếm chỗ ở và việc làm thêm không khó. Các trường đại học Việt Nam đang nỗ lực nâng cao chất lượng và hội nhập, nhiều đơn vị đạt chuẩn kiểm định quốc tế về chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam du học.

Thế nhưng, để gia tăng lực lượng này, nỗ lực đơn lẻ của từng trường cùng vài lợi thế khách quan chưa đủ. Dù chất lượng đào tạo là yếu tố cốt lõi nhưng sinh viên du học không chỉ sống trong khuôn viên trường, mà còn kết nối với cộng đồng nơi đến cùng nhiều dịch vụ khác. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của nhà trường, cần hình thành chiến lược cấp quốc gia thu hút lưu học sinh.

Gần đây, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND TPHCM thực hiện Đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên của khu vực và thế giới. Thành phố đang gấp rút thực hiện đề án 8 ngành nhân lực trình độ quốc tế.

Đây là bước chuyển động đáng chú ý thể hiện tầm nhìn, ý chí của nhà làm chính sách. Hy vọng từ thực tiễn đi đầu ở TPHCM, Việt Nam sớm xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút sinh viên quốc tế để trở thành địa chỉ mới về xuất khẩu giáo dục của vùng trong tương lai không xa.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu giáo dục