Phân tích với VTC News về nguyên nhân xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm kỷ lục, chuyên gia kinh tế - tài chính TS Bùi Kiến Thành cho rằng, trước hết phải khẳng định việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đầu tiên là hoạt động của các ngân hàng Mỹ.
“FED cho rằng nền kinh tế của Mỹ còn đang quá nóng cho nên cần phải kìm chế bằng cách tăng lãi suất để hạn chế lạm phát. Đương nhiên, khi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, hiện nay Việt Nam - Mỹ là đối tác thương mại rất lớn chỉ sau Trung Quốc nên việc gì xảy ra bên Mỹ thì sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Những đơn hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong những tháng vừa qua giảm sâu do các đại siêu thị và các nhà nhập khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, kinh tế suy thoái, tỷ lệ người dân giảm thu nhập do khó khăn về việc làm khiến họ đã cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua hàng. Đương nhiên, khi sản lượng xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu giảm thì việc thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động gia tăng thu nhập cũng sẽ giảm theo”, ông Thành nói.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - nhận định, nguyên nhân xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam giảm sâu từ đầu năm đến nay là do suy thoái và khủng hoảng kinh tế của thế giới, khiến các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ ở các khu vực Việt Nam xuất khẩu cũng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của người dân của giảm mạnh đã dẫn đến hàng hoá của Việt Nam đã xuất khẩu còn tồn đọng nên không tiếp tục xuất khẩu trong các đơn hàng tiếp theo.
Việc Trung Quốc, một thị trường tiềm năng mở cửa vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam vì phải cạnh tranh với các nước trong khu vực cùng xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Hàng hóa của nước nào chất lượng, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chí, giá rẻ, chế biến sâu chắc chắn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều”, ông Phú nói
Về giải pháp tháo gỡ, ông Phú cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần phải gia tăng giá trị bằng việc đầu tư xây dựng, mở rộng nhà máy để chế biến sâu các mặt hàng nông, thuỷ sản, lâm sản thay bằng xuất khẩu thô như hiện nay.
“Cùng với đó, là phải tích cực khai thác, mở rộng thị trường ra các nước, các khu vực ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu chứ không chỉ "gà què ăn quẩn cối xay", loay hoay mãi ở một số thị trường quen thuộc như Trung Quốc hoặc một số nước khác”, ông Phú nói thêm.
Trước tình trạng hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu gặp khó, Bộ NN&PTNT đã và đang tìm hướng tháo gỡ một số vướng mắc, biến động từ các thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng yêu cần bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường, tìm hướng đi riêng cho sản phẩm bằng chế biến sâu, thay đổi mẫu mã, có mẫu mã độc đáo, đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm.
Để hỗ trợ các DN, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, vực dậy xuất khẩu, tăng sức mua ở thị trường nội địa. Trước mắt tập trung phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Anh trong thời gian sắp tới…