Khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, một tạp chí học thuật hàng đầu về an ninh quốc tế đã xuất bản bài viết lập luận rằng UAV không có ý nghĩa gì trong chiến tranh quy mô lớn. Sự hoài nghi đó đã bị đập tan khi UAV tỏ ra vô cùng quan trọng trong xung đột ở Ukraine, với nhiều vai trò và lĩnh vực khác nhau.
Loại vũ khí này tỏ ra rất quan trọng trong việc tấn công các xe tăng và cung cấp tọa độ chính xác cho pháo binh và các đơn vị tên lửa.
Điều đáng chú ý là hàng loạt hệ thống không người lái đã tràn ngập chiến trường ở Ukraine, trong đó có cả UAV quân sự, đắt tiền, có kích thước tương đương máy bay có người lái và UAV dân sự nhỏ, rẻ tiền, nhưng vẫn hiệu quả.
Mọi đơn vị của Nga và Ukraine hiện đều dùng tới UAV, không chỉ để trinh sát mà còn thực hiện các cuộc tấn công tự sát với độ chính xác cao. Nói về vấn đề này, ông Vadym Skibitskyi, Phó Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraine, nhấn mạnh, UAV có tác động lớn đến môi trường tác chiến hiện đại.
"Không một đơn vị nào của Ukraine muốn ra chiến trường nếu không có UAV riêng", ông Skibitskyi cho biết.
Phó Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraine cho rằng rất khó để phản công hay tiến công vì UAV trinh sát hiện đại có thể nắm bắt diễn biến nhanh chóng. "Trong khoảng 10 phút, đối phương có thể nã pháo vào đoàn xe quân sự của chúng tôi, tính từ khi phát hiện bằng UAV", ông Skibitskyi nói.
Cũng như AI, việc sử dụng UAV có tiến bộ hàng tuần khi các bên tham chiến và đối tác của họ học hỏi kinh nghiệm từ chiến trường Ukraine. Trên thực tế, nhờ sự tích hợp của AI với UAV mà giai đoạn tiếp theo của việc sử dụng các công nghệ này sẽ mở ra ở xung đột Ukraine.
Chiến tranh tương lai: Không chỉ có quân đội chính quy
Lính đánh thuê Wagner ở Bakhmut, Ukraine. Ảnh: TASS
Theo tổ chức tư vấn Hudson Institute (trụ sở tại Mỹ), xung đột Ukraine đã chứng kiến chiến trường bị các chủ thể phi nhà nước chi phối. Trong số các nhóm chủ thể phi nhà nước này, nhóm lính đánh thuê Wagner nổi bật hơn cả.
Với mạng lưới tài chính và địa bàn hoạt động trải dài từ châu Phi tới các vùng đất từng thuộc Liên Xô, Wagner trở thành thế lực đáng gờm. Nhóm này được xem là một phần quan trọng trong chiến lược của Nga ở Ukraine, khi góp phần không nhỏ giúp các lực lượng Nga giành kiểm soát và trấn giữ các thành phố như Bakhmut.
Một nhóm có tầm ảnh hưởng khác ở xung đột Nga - Ukraine là Aerorozvidka. Không phải lính đánh thuê như Wagner, Aerorozvidka là nhóm tình nguyện chuyên phát triển UAV và các giải pháp mạng cho quân đội Ukraine. Nhóm này đã phát triển và triển khai UAV R-18 mang bom chống tăng RKG-1600 để tấn công xe tăng Nga trước khi số xe tăng này đến được khu vực chiến đấu.
Sự nổi lên của Wagner và Aerorozvidka cho thấy các cuộc chiến trong tương lai không chỉ phụ thuộc vào quân đội chính quy và các nhóm phi vũ trang truyền thống. Theo Hudson Institute, các công ty công nghệ quốc phòng cũng như các tập đoàn quân sự tư nhân với kho vũ khí khổng lồ, có thể sẽ thống trị các cuộc chiến toàn cầu trong tương lai.
Space X, công ty tư nhân phát triển hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk, là một ví dụ. Starlink là hệ thống bao gồm 3.000 - 5.000 vệ tinh, cung cấp mạng vệ tinh với khả năng truy cập Internet tốc độ cao cho người dùng ở hơn 40 quốc gia.
Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Starlink trở thành một phần không thể thiếu với quân đội Ukraine.
Không chỉ giúp Kiev phản công, Starlink còn định hình phương thức tác chiến, mang lại cho Ukraine những lợi thế trong cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tập đoàn SpaceX còn được cho là có hợp tác chặt chẽ với quân đội Mỹ. Tập đoàn của Elon Musk được phép sử dụng căn cứ Không quân Vandenberg ở bang California để phóng một số tên lửa mang vệ tinh của Starlink. Một số chuyên gia dự báo rằng, trong tương lai không xa, Starlink sẽ trở thành “mắt xích” quan trọng của quân đội Mỹ và các nước đồng minh.
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên123