Sài Gòn 24/7

Xưởng lân truyền thống ở TP.HCM vào mùa Trung thu

16/09/2024 13:07

Cận kề Tết Trung thu, xưởng lân thủ công Thuận Anh Hãng tại TP.HCM tất bật chuẩn bị cho loạt đơn đặt hàng đúng hẹn.

Anh Bành Chí Hùng (42 tuổi), chủ cơ sở làm lân sư rồng Thuận An Hãng (quận Tân Phú, TP.HCM) cho hay, từ nhỏ, anh đã đam mê với múa lân rồi dần dần theo nghề làm đầu lân và gắn bó đến bây giờ. Năm 2003 anh quyết định mở xưởng lân với tên gọi Thuận Anh Hãng.

Anh Bành Chí Hùng và chiếc đầu lân vừa hoàn tất.
Anh Bành Chí Hùng và chiếc đầu lân vừa hoàn tất.

Xưởng đặt tại nhà của anh Hùng, với 10 nhân công và chuyên cung cấp đầu lân, đầu rồng, đầu sư tử... cũng như quần áo, phụ kiện biểu diễn.

Nói về những sản phẩm của xưởng, anh Hùng cho hay, nguyên liệu để làm đầu lân gồm: mây, tre, kẽm, khung nhôm, giấy, vải màn... và thêm các phụ kiện trang trí. Một chiếc đầu lân được hoàn thiện trong vòng 7 ngày, có giá từ 5 - 6,5 triệu đồng tùy thuộc vào yêu cầu của khách.

Khung đầu lân được tạo bằng tre, mây.
Khung đầu lân được tạo bằng tre, mây.

Để có chiếc đầu lân, bước đầu tiên là làm khung. Khung được làm bằng mây, tre đan với nhau. Người thợ làm khung phải tỉ mỉ và kiên trì với việc uốn nắn các thanh tre, mây để tạo hình và kết nối chúng lại bằng kẽm và băng keo. Tùy vào mẫu mã, khung lân mất khoảng nửa ngày để hoàn thiện.

“Để làm đầu lân, khâu tạo khung rất quan trọng, người thợ phải căn chỉnh kích thước, các vị trí mắt, mũi... sao cho cân đối”, anh Trần Thanh Phong - thợ làm khung tại xưởng cho biết.

Xưởng lân truyền thống ở TP.HCM vào mùa Trung thu - 3
Xưởng lân truyền thống ở TP.HCM vào mùa Trung thu - 4

Khâu đắp giấy và dán vải màn cho đầu lân.

Kế tiếp, khung lân được chuyển đến khâu dán vải màn và đắp giấy. Ở khâu này, người thợ phải liên tục cắt vải, căn chỉnh kích thước để đắp lên đầu lân và quét keo để kết dính.

Ở khâu đắp giấy, giấy được dùng là giấy xuyến, người thợ phải khéo léo, liên tục xé giấy để đắp cho đầu lân và quét keo để phủ bề mặt đầu lân. Sau đó đem đi phơi nắng trong vòng 1 ngày.

Theo truyền thống, con lân “hiền” hay “dữ” phụ thuộc vào hoa văn, màu sắc của nó. Ngày nay, con lân có nhiều màu sắc hơn nhằm mục đích trang trí và nghệ thuật. Các loại đầu lân thường được phân loại dựa trên phong cách chế tác và nguồn gốc của chúng, hiện cơ sở đang sản xuất 3 loại lân là Phật Sơn, Hạc Sơn và Phật Hạc.

Trang trí đầu lân.
Trang trí đầu lân.

Nếu như làm khung và đắp nền là phần tạo hình thì vẽ trang trí là phần tạo “hồn” cho con lân. Các họa tiết vẽ lên đầu lân xuất phát từ truyền thống lâu đời của nghề, được sáng tạo thêm cho phù hợp với đơn đặt hàng và chất riêng của xưởng.

“Họa tiết ở lân do xưởng sáng tạo thêm để không trùng lặp với các nơi khác”, anh Hùng chia sẻ.

Cũng theo chủ cơ sở, một người thợ làm lân ngoài kỹ năng còn phải có đam mê với nghề mới có thể thổi hồn vào từng sản phẩm khiến cho những chú lân trở nên sống động, toát lên thần thái đặc trưng. Những sản phẩm chính là thước đo về trình độ tay nghề của người thợ và khả năng đáp ứng các yêu cầu cao của khách hàng trong và ngoài nước.

“Đặc điểm dễ nhận diện nhất của đầu lân Thuận Anh Hãng nằm ở cặp mắt lân”, anh Hùng nói thêm.

Cặp mắt lân - điểm nhận diện thương hiệu của đầu lân Thuận Anh Hãng.
Cặp mắt lân - điểm nhận diện thương hiệu của đầu lân Thuận Anh Hãng.

Cụ thể, cặp mắt lân của xưởng ngoài việc được vẽ, trang trí với các vòng màu còn được bổ sung thêm một vòng kim loại màu vàng phù hợp với kích thước đầu lân. Điều này giúp khách hàng dễ dàng nhận biết nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tạo điểm nhấn riêng cho Thuận Anh Hãng.

Ngoài việc làm đầu lân, thì việc may đuôi lân và quần áo biểu diễn múa lân cũng được xưởng chú trọng.

Theo chị Lý Ngọc Oanh (vợ anh Hùng), khâu này cần phải chú tâm trong từng đường may để ghép các chi tiết trang trí lên quần áo biểu diễn.

Vào những dịp cao điểm như Tết Trung thu hoặc Tết Nguyên đán, các thợ làm lân phải làm việc liên tục ngày đêm để đáp ứng các đơn đặt hàng. Đó là chưa kể, họ còn dành thời gian cho việc luyện tập, biểu diễn và đi thi đấu.

Dịp Tết Trung thu xưởng của anh Hùng huy động toàn bộ nhân công làm việc ngày đêm để kịp giao hàng cho khách.
Dịp Tết Trung thu xưởng của anh Hùng huy động toàn bộ nhân công làm việc ngày đêm để kịp giao hàng cho khách.

“Có những lúc cao điểm chỉ ngủ 2-3 tiếng một ngày, ngoài làm đầu lân buổi tối, ban ngày tôi sẽ sản xuất những phụ kiện liên quan như hình in, cờ hiệu, cũng như nhập nguyên liệu và giao hàng cho khách”, chủ cơ sở cho biết thêm.

Dịp Trung thu năm nay, Thuận Anh Hãng đã cung cấp hàng chục đầu lân cho các đội lân trong nước. Với uy tín và chất lượng đã được khẳng định, anh Hùng cùng đội ngũ thợ tại xưởng không ngừng nỗ lực để mang đến những sản phẩm đẹp mắt và chất lượng cho khách hàng khắp nơi. Hiện xưởng đã và đang cung cấp đầu lân cho các thị trường như: Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines...

Huy Trình

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/xuong-lan-truyen-thong-o-tp-hcm-vao-mua-trung-thu-ar894166.html
Copy Link
https://vtc.vn/xuong-lan-truyen-thong-o-tp-hcm-vao-mua-trung-thu-ar894166.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xưởng lân truyền thống ở TP.HCM vào mùa Trung thu