Cụ thể, mỗi lớp bố trí ít nhất 1 tiết/tuần đối với cấp tiểu học và 1 tiết/tháng đối với cấp THCS, THPT tại thư viện hoặc không gian mở, phù hợp với việc đọc sách (ví dụ như tại không gian đọc sách ngoài trời), không gây ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục lớp khác. Thành lập và hướng dẫn tổ chức hoạt động các câu lạc bộ nhằm phát triển văn hóa đọc. Cách thức tổ chức, hoạt động thư viện trường học cũng yêu cầu đổi mới, thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức, như: Thư viện xanh, thân thiện, điện tử…
Bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình khẳng định, nếu hoạt động thư viện hiệu quả, thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh, sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018.
Xác định vai trò quan trọng này, Hòa Bình quyết tâm đạt 100% trường phổ thông và 10% trường mầm non có thư viện độc lập, đảm bảo diện tích, bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất thư viện năm học 2023 - 2024. Đồng thời, bảo đảm 100% học sinh có đủ sách giáo khoa, học liệu theo cấp học; 100% giáo viên đủ sách nghiệp vụ. Trang bị và sử dụng hiệu quả các thiết bị nghe, nhìn kết nối Internet tại thư viện phục vụ tiết học thư viện và tra cứu, khai thác tài liệu.
Bà Tuyến cho biết, các trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được yêu cầu tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách cho giáo viên, học sinh ít nhất 1 lần/tuần. Hướng dẫn học sinh đọc và làm theo sách bằng nhiều hình thức như: Lập kế hoạch đọc sách, tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về sách, môn học, triển lãm, trưng bày sách, thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách, giới thiệu, bình luận sách, trang trí bìa, thẻ đánh dấu sách, xếp sách mỹ thuật, viết và trình bày bài thu hoạch sau khi đọc sách…
Học sinh được hướng dẫn và rèn luyện kỹ năng đọc sách; tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin an toàn, hữu ích. Nhiều trường làm tốt việc tham gia đóng góp sách xây dựng thư viện và tặng sách cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.
“Cần nhiều giải pháp để thư viện trường học có thể đồng hành cùng đổi mới giáo dục. Trong đó có việc quan tâm bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi; tăng cường đầu tư, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng phục vụ quản lý, tổ chức hoạt động thư viện trường học. Tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện.
Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện, khả năng tiếp cận phương thức quản lý thư viện hiện đại cho nhân viên. Tăng cường triển khai tiết đọc, học thư viện nhằm hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học cho học sinh”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho hay.
“Cần đổi mới phương thức tổ chức hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi, giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách như: Thư viện lưu động, giá sách lưu động, thư viện/tủ sách góc lớp, thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện…, phục vụ giáo viên, học sinh đọc tại chỗ và mượn sách, tài liệu về nhà”, bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình nói.