Theo thầy Nguyễn Trọng Tùng - chuyên viên văn phòng Tư vấn hướng nghiệp và đại học The Dewey Schools, nhu cầu hướng nghiệp nói chung, tư vấn du học nói riêng của học sinh ngày càng lớn đặt ra yêu cầu lãnh đạo nhà trường có cái nhìn toàn diện, thông suốt và coi đây như hoạt động quan trọng, là kết quả đầu ra của mỗi nhà trường.
Giáo viên phụ trách/chuyên trách công tác này cần kiến thức chuyên môn về hướng nghiệp; có công cụ giúp học sinh hiểu bản thân, công việc trong hiện tại, tương lai; am hiểu học sinh, từ đó giúp các em thiết lập lộ trình học tập phù hợp; có trải nghiệm đa dạng. Trong đó, việc giúp học sinh hiểu, tự tạo năng lực hướng nghiệp cho bản thân là cách làm bền vững nhất.
“Tư vấn về việc học tập ở nước ngoài, sẽ hiệu quả nếu tư vấn viên có trải nghiệm thực tiễn. Thầy cô cũng có thể tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn về nội dung này; hay tham gia mạng lưới tư vấn viên hướng nghiệp để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Nhu cầu của học sinh là đa dạng, vì thế thầy cô phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin để hỗ trợ các em tốt nhất.
Khắc phục hạn chế về đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp và kinh phí, nhà trường có thể thiết lập mạng lưới cựu học sinh để tạo nguồn cán bộ hướng nghiệp gần gũi, hiệu quả. Tất nhiên, việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình”, thầy Nguyễn Trọng Tùng cho hay.
Góc độ chuyên gia, tư vấn của PGS.TS Trần Thành Nam với nhà trường là cần cải thiện các nguồn tài nguyên hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp; tăng cường mối quan hệ với các trường quốc tế để tìm hiểu về chương trình, cơ sở đào tạo có uy tín; tăng cường hợp tác với chuyên gia tư vấn hướng nghiệp có uy tín để tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cập nhật, đào tạo giáo viên và tư vấn cá nhân hóa.
Nhà trường cũng có thể phát triển các tài liệu hướng dẫn để khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình đào tạo, trường ĐH, nguồn học bổng có sẵn, tham vấn các diễn đàn, cộng đồng sinh viên của trường mình mong muốn tới học… Từ đó, các em thiết lập mục tiêu, kế hoạch, có động lực để hiện thực hóa ước mơ.
PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý thêm: Hướng nghiệp cũng phải quan tâm đến việc thích ứng về ngôn ngữ, văn hóa, năng lực thích nghi của học sinh với môi trường mới. Bên cạnh đó, chi phí tài chính, chính sách học bổng phải được tìm hiểu kỹ. Những yếu tố này cần được cân nhắc dựa trên bằng chứng định lượng với các số liệu cụ thể, tiến hành bởi chuyên gia am hiểu về hướng nghiệp và có cơ sở dữ liệu về thị trường việc làm trên thế giới để tư vấn.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp phải được tiến hành từ sớm để hoạch định mục tiêu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động, lựa chọn chương trình và cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của gia đình, năng lực tính cách học sinh.
Để học, làm việc ở nước ngoài, người học cần đạt được những năng lực nhất định về công dân toàn cầu. Ví dụ như năng lực quản lý, quản trị thời gian, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, chấp nhận sự khác biệt, năng lực sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm, thích ứng linh hoạt và chăm sóc sức khỏe tâm thần. PGS.TS Trần Thành Nam