Từ đó, các nhà khoa học đã so sánh độ sâu, chiều dài và thể tích của các thung lũng khác nhau. Họ phát hiện, các thung lũng sông được hình thành bởi những vết nứt của hồ miệng núi lửa. Đồng tác giả nghiên cứu Alexander Morgan - nhà khoa học tại Viện Khoa học Hành tinh, cho biết: “Sự khác biệt này do thực tế là các hẻm núi đầu ra sâu hơn đáng kể so với các thung lũng khác".
Độ sâu trung bình của một thung lũng sông do miệng núi lửa bị vỡ là 170,5m. Con số này nhiều hơn 2 lần so với những thung lũng sông được tạo ra dần dần theo thời gian - vốn chỉ sâu trung bình 77,5m.
Các nhà khoa học cho biết, về mặt địa chất, những vực sâu xuất hiện ngay lập tức. Song, chúng có thể đã ảnh hưởng lâu dài đến cảnh quan xung quanh. Nghiên cứu cho thấy, hồ miệng núi lửa vỡ có thể đã ảnh hưởng đến sự hình thành của các thung lũng sông khác gần đó. Các tác giả cho biết, đây là một giải thích thay thế hợp lý cho nguyên nhân địa hình thung lũng sông sao Hỏa độc đáo - vốn thường được cho là do khí hậu.
Nghiên cứu chứng minh rằng, thung lũng sông do vỡ hồ miệng núi lửa đóng vai trò quan trọng trong hình thành bề mặt sao Hỏa. Nghiên cứu cũng góp phần giúp hình dung thêm về các thế giới khác. Địa chất của Trái đất đã xóa sổ hầu hết miệng núi lửa và khiến quá trình xói mòn sông diễn ra chậm và ổn định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quá trình tương tự sẽ xảy ra ở những hành tinh khác.