Đồng yên giảm mạnh nhất nhất so với đồng USD sau 38 năm. Giới chuyên gia cho rằng, đồng yên mạnh hơn nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất mạnh hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nếu không có cả hai điều này, không chắc thị trường đảo chiều đáng kể, nhưng nếu cứ mãi can thiệp sẽ có hệ lụy.
Ngày 27/6, đồng yên đạt mốc 160,82 yên đổi lấy 1 USD, mức mất giá mạnh nhất kể từ tháng 12/1986. Cách đây gần 40 năm, đồng bạc xanh đạt mức kỷ lục với 160,697 yên/1 USD.
Trong năm nay, đồng USD tăng khoảng 14% so với đồng yên.
Đồng euro cũng tăng giá so với đồng yên, lên mức 171,79 yên đổi 1 euro, mức cao nhất kể từ tháng 9/1992. Lần đạt giá kỷ lục gần nhất của euro là mức 171,625 yên/1 euro.
Lãi suất thấp của Nhật Bản so với Mỹ tác động mạnh đến đồng yên. Trong khi Nhật Bản tăng lãi suất trong năm nay lên mức từ 0 đến 0,1%, thì lãi suất của Mỹ từ 5,25% đến 5,5%. Các nhà đầu tư đang đổ xô vào tài sản bằng đồng USD để có lợi nhuận cao hơn.
Đồng yên Nhật đang mất giá so với đồng USD.
Nhà đầu tư đang tận dụng sự chênh lệch lớn về tỷ giá ở cả hai quốc gia bằng cách thực hiện phương pháp gọi "chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất". Theo đó, nhà đầu tư vay bằng đồng tiền có lãi suất thấp để đầu tư vào đồng tiền có lãi suất cao hơn. Giao dịch này ngày càng phổ biến khi một số quốc gia tăng chi phí vay trong những năm gần đây.
Giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư đang thử thách quyết tâm của Bộ Tài chính Nhật Bản. Trước đó, chính phủ Nhật chi 62 tỷ USD để hỗ trợ đồng yên, khi giá yên chạm mốc 160 yên đổi 1 USD.
Vassili Serebriakov - chiến lược gia ngoại hối tại UBS, New York - cho biết: "Biện pháp can thiệp của Nhật Bản chỉ làm chậm thị trường nói chung, nhưng chúng khó có thể đảo ngược đáng kể hướng đi của thị trường, trừ khi có sự thay đổi lớn trong lập trường chính sách tiền tệ cơ bản".
Chiến lược gia cho rằng đồng yên mạnh hơn nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất mạnh, hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nếu không có cả hai điều này, không chắc thị trường đảo chiều đáng kể, nhưng nếu cứ mãi can thiệp sẽ có hệ lụy.
Masato Kanda - nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản - cho biết cần tăng cường cảnh báo về biến động tiền tệ quá mức từ giữa tuần. Ông cho rằng nhà chức trách "quan ngại sâu sắc và cảnh giác cao độ" về sự sụt giảm nhanh chóng của đồng yên và nói "đồng yên yếu một cách không chính đáng".
Theo Reuters, nhiều khả năng Ngân hàng Nhật bản tăng lãi suất vào cuối tháng 7. Điều này có thể giúp hỗ trợ đồng yên trở lại.