Trong 3 năm qua, giáo viên Zimbabwe bắt đầu lên tiếng phản đối vì mức lương không đủ và điều kiện làm việc tồi tệ trong bối cảnh tình hình kinh tế xuống dốc. Đầu tháng 2 vừa qua, giáo viên đã phản đối đòi tăng lương khi các trường học đón học sinh trở lại sau khi đóng cửa vì dịch Covid-19. Chính phủ đã phản ứng bằng cách đình chỉ họ 3 tháng không lương vào ngày 10/2.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Evelyn Ndlovu cũng đưa ra thời hạn cuối cùng để các giáo viên phản đối trên quay lại làm việc.
Mặc dù con số chính xác giáo viên bị đình chỉ lương không được đưa ra nhưng các công đoàn giáo viên cho biết khoảng 90% trong số 150 nghìn giáo viên trường công bị ảnh hưởng bởi động thái của chính phủ.
Một luật sư Noble Chinhanu và Chủ tịch Liên minh Giáo viên Nông thôn Hợp nhất Zimbabwe Obert Masaraure nói, đó là một động thái vi hiến của chính phủ khi đình chỉ tạm thời mọi giáo viên.
Vào ngày tòa án đưa ra quyết định về động thái đình chỉ giáo viên, chính phủ đã đưa ra thời hạn một tuần để họ trở lại làm việc, nếu không sẽ bị mất việc làm. Chính phủ cũng đe dọa có thể thay thế giáo viên bằng những sinh viên đã tốt nghiệp nhưng đang thất nghiệp.
Cần mức lương đủ sống
Ngày 8/2, Chính phủ Zimbabwe đã tăng lương cho giáo viên thêm 20% và trợ cấp Covid-19 với số tiền tăng từ 75 USD lên 175 USD (khoảng 1,7 triệu đồng lên 4 triệu đồng) cùng các lợi ích khác như chế độ nhà ở và miễn thuế khi nhập khẩu xe có động cơ.
Tuy nhiên, giáo viên vẫn yêu cầu mức lương cơ bản là 540 USD (khoảng 12,3 triệu đồng) hoặc số tiền tương đương bằng nội tệ. Họ cho biết không đủ khả năng trả học phí cho con với mức lương hiện tại. Tuy nhiên, chính phủ đã loại trừ việc trả lương bằng USD.
“Những gì chúng tôi muốn là một mức lương đủ sống, trở lại mức lương trước tháng 10/2018 là 540 USD”, ông Masaraure nói.
Ông Takavafira Zhou - Chủ tịch Liên minh Giáo viên Tiến bộ Zimbabwe cho biết, những tuyên bố của chính phủ đã khiến một số giáo viên buộc phải quay trở lại làm việc. Ông kêu gọi chính phủ hãy theo đuổi biện pháp đối thoại.
Trong toàn ngành giáo dục, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, biểu hiện ở sự suy giảm cơ sở hạ tầng và cạn kiệt giáo viên. Học phí ở các trường công lập cũng tăng gấp 3 lần so với khả năng của nhiều người vì tình trạng lạm phát tiếp tục diễn ra. Ở các trường tư thục, mọi thứ đều đắt đỏ hơn nhiều.
Giáo viên cũng cho biết, nhiều trẻ em bị bỏ rơi trong các sáng kiến học tập trực tuyến do một số trường đưa ra, vì các em không có đủ phương tiện cần thiết. Tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19 khiến giáo viên phải làm việc mà không đủ đồ bảo hộ trong các trường công lập.
Đối với cô Mandiopera, đây là những bằng chứng bổ sung cho thấy cần tiếp tục nỗ lực cho tới khi những khó khăn của giáo viên được giải quyết, đó là họ sẽ được trả mức lương để có thể đủ sống.