Người dân tại thành phố Ngô Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) chế biến lá trà xanh. Ảnh: Baijiahao
Trên tạp chí "Trà Trung Quốc" xuất bản năm 1996, một bài viết với tiêu đề "So sánh chất lượng và hình thức của trà Phổ Nhĩ đến từ các vùng sản xuất khác nhau" do Viện Nghiên cứu Trà thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc biên soạn đã mô tả trà Việt Nam như sau:
"Phân tích kết quả đánh giá cảm quan của trà Phổ Nhĩ đến từ các vùng sản xuất khác nhau như Quảng Đông, Thâm Quyến, Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, Việt Nam… cho thấy: "Đặc điểm nổi bật nhất của trà Hà Giang [Việt Nam] là hương thơm của trà lâu năm, mộc mạc và lâu phai, vị trà sâu lắng và sảng khoái... rất đặc trưng, khác với đặc điểm của trà Phổ Nhĩ ở nhiều địa phương tại Trung Quốc”.
Kết hợp với kết quả phân tích các thành phần chứa bên trong trà, các chuyên gia rút ra kết luận: "Trà Hà Giang của Việt Nam cũng có hương vị đậm đà của trà Phổ Nhĩ Quảng Đông và trà Phổ Nhĩ Vân Nam lâu năm; chất lượng thực sự vượt trội so với trà Phổ Nhĩ của Trung Quốc, trong khi giá thành lại thấp, vì vậy nó rất được người tiêu dùng tại Hồng Kông và Ma Cao ưa chuộng, do đó gây ra mối đe dọa lớn đối với thị trường trà Phổ Nhĩ truyền thống ở nước ta [Trung Quốc]”.
Một gian hầm ủ trà Lục Bảo. Ảnh: Baijiahao
Theo blogger Chaonian Xiaowei, trà Lục Bảo có nhiều loại hương thơm, chẳng hạn như hương lâu năm, hương trầu, hương gỗ, hương dược liệu, hương nấm, hương đất... Nguồn gốc của những hương thơm này là gì?
Hương lâu năm: là hương thơm cơ bản của trà Lục Bảo sau khi ủ, mùi rất dễ chịu, có vị của trà lâu năm, rất êm dịu.
Hương trầu: có hai kiểu hương trầu. Một là trước đây, trà Lục Bảo được lên men rồi ủ trong hầm. Một số nông dân khi lên men trà Lục Bảo, họ dùng củi thông làm nhiên liệu để sao trà. Trà Lục Bảo thành phẩm có hương khói thông rất giống với hương trầu. Thứ hai là trong quá trình lên men của trà Lục Bảo, một số lượng lớn vi khuẩn enzyme giàu chất dinh dưỡng đã được biến đổi, tạo nên hương vị giống như hương trầu.
Hương gỗ: một số thương nhân đã làm hầm bằng gỗ để ủ trà Lục Bảo, nhưng những loại gỗ này vẫn chưa khử được hoàn toàn mùi gỗ; ngoài ra, hầm cũng có thể còn ẩm ướt, và trà Lục Bảo đã hấp thụ hương vị của gỗ.
Hương dược liệu: lá trà tươi được sử dụng trong trà Lục Bảo có vị đắng; sau khi lên men và ủ đủ thời gian, vị đắng sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, một số loại trà Lục Bảo được bán ra thị trường nhưng không được lên men hoàn toàn và ủ không đủ thời gian, nên chúng có vị hơi đắng, giống như vị thuốc.
Hương đất: do một số thương nhân để trà Lục Bảo trong hầm ủ lâu ngày nên trà có mùi đất.