(GDTĐ) - Bệnh thủy đậu (còn gọi là trái rạ) thường gây ra các triệu chứng như phát ban, ngứa, sốt. Một số cây thuốc quanh nhà dưới đây có thể giúp làm giảm các triệu chứng của căn bệnh này.
Lá lốt: Lá lốt được biết đến là loại lá sở hữu đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn tốt, có tác dụng làm lành vết thương, đẩy nhanh quá trình phục hồi các tổn thương trên da hiệu quả. Sử dụng lá lốt để tắm gội cho người bệnh sẽ cải thiện được các triệu chứng ngứa ngáy, viêm da, cấp ẩm cho da và giúp cơ thể loại bỏ được các loại độc tố gây hại rất hiệu quả.
Lá tía tô: Lá tía tô là loại lá lành tính, ít gây dị ứng, đặc biệt hoạt chất luteolin và axit dayic có trong lá tía tô được chứng minh có tác dụng chống viêm hiệu quả. Chính vì vậy, sử dụng lá tía tô để tắm cho người mắc bệnh thủy đậu sẽ giúp giảm triệu chứng viêm da, ngứa ngáy do mụn nước hình thành.
Lá khế: Lá khế với đặc tính giải độc, kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt thường được sử dụng điều trị các bệnh ngoài da như viêm da dị ứng, nổi mẩn hay thủy đậu. Người mắc bệnh thủy đậu dùng lá khế để tắm trong một thời gian sẽ giảm được tình trạng ngứa rát trên da và giúp se dịu vết mụn, vết loét trên da hiệu quả.
Lá trầu: Lá trầu không chứa chất kháng viêm, kháng khuẩn tốt thường được sử dụng trong cách chữa thủy đậu dân gian để sát khuẩn, làm khô các nốt mụn nước, vết loét từ đó giảm các cơn ngứa và hạn chế tình trạng nhiễm trùng từ vùng da này sang vùng da khác.
Lá sầu đâu: Lá sầu đâu, còn gọi là xoan Ấn Độ, được trồng phổ biến ở các tỉnh Ninh Thuận, Kiên Giang, Châu Đốc, thường được sử dụng để tắm gội, xông hơi cho người mắc bệnh thủy đậu bởi các thành phần có trong lá như flavonoid và saponin có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng, làm sạch da và đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương.
Lá kinh giới: Lá kinh giới là loại lá được cả y học cổ truyền lẫn y học đánh giá cao về bảng thành phần chứa nhiều hoạt chất chống viêm, khử khuẩn hiệu quả và là cách chữa thủy đậu dân gian an toàn cho người bệnh. Ngoài ra, với khả năng chống dị ứng, tắm bằng lá kinh giới còn giúp giảm tình trạng kích ứng da, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn cho người bệnh.
Lá trà xanh: Lá trà xanh cũng là một trong số loại lá thường được sử dụng để nấu nước tắm điều trị bệnh thủy đậu bởi hàm lượng chất oxy hóa cao, hoạt chất kháng viêm, diệt khuẩn giúp làm dịu tình trạng viêm nhiễm, sưng đỏ do mụn nước, thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Lá tre: Chữa thủy đậu bằng cách dân gian với lá tre rất phổ biến. Người bệnh có thể tắm hàng ngày để mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ điều trị thủy đậu với tác dụng giảm ngứa và phục hồi sức khỏe làn da.
Lá xoan: Trong dân gian, lá xoan thường được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da bởi thành phần chứa nhiều loại khoáng chất tốt, giúp tiêu độc, làm mát. Nếu mắc bệnh thủy đậu, người nhà có thể lấy lá xoan nấu nước tắm cho người bệnh để giúp chống viêm, kháng khuẩn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng da và thúc đẩy quá trình nhanh lành các vết thương.
Cỏ chân vịt: Theo Y học cổ truyền, cỏ chân vịt là loại là có tính mát, lành tính với vị chát nhạt, có tác dụng hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng của phát ban, mụn nước do thủy đậu, đồng thời ngăn ngừa sự lây lan viêm nhiễm sang các vùng da khác rất hiệu quả.